Thứ Tư, 29 tháng 6, 2011

BẢN DỊCH GIA PHẢ HỌ BÙI XÃ ĐỨC LONG

BẢN DỊCH GIA PHẢ HỌ BÙI XÃ ĐỨC LONG
Từ bản sao Hán Nôm của bà Bùi Thị Sâm, quê Đức Long Đức Thọ Hà Tĩnh
Người dịch tháng 12/04: PGS TS Lê Minh Tuấn, bộ môn Hán Nôm, ĐHKHXH&NV
Xem, dịch bổ sung 2007: PGS TS Phạm Văn Khoái, BM Hán Nôm ĐHKHXH&NV 
Ghép, sắp xếp, tra-chiếu, chú-chỉnh thời gian, xong tháng 6/2011: Bùi Xuân Vịnh,
quê Đức Đồng Đức Thọ Hà Tĩnh
Ghi về họ Bùi
     Nguyên cụ tổ họ Phí, tên tự là Mạnh, mộ đặt ở xứ Sơn Nam, xã Cổ Lai, huyện Vũ Tiên, phủ Kiến Xương. Đời vua Nhân Tông, triều nhà Trần (năm 1292-BXV) được cử làm An phủ sứ Diễn Châu (Thanh Hoa). Cụ nhậm chức chưa được lâu, vua triệu về triều, thưởng tước, báo cáo công việc được giao. Vì cụ có tấm lòng trong sạch, tính cẩn thận nên tiếng tốt khắp vùng Diễn Châu, rằng An phủ sứ Diễn Châu trong như nước, mới triệu về triều.
     Cụ sinh con trai là Bùi Mộc Đạc, vốn là họ Phí. Đời Trần Nhân Tông (tháng 2/1304, Trần Anh Tông - BXV), đổi họ Phí thành họ Bùi (khi Trần Anh Tông cử làm Chi hậu bạ thư chánh chưởng trông coi cung Thánh Từ - BXV). Khoa thi Giáp Thìn thời Trần (tháng 3/1304 - BXV), cụ dự thi trúng Tiễn sỹ đệ tam giáp xuất thân. Làm quan tới Hàn lâm đại học sỹ, Trung thư tả thị lang, Lại bộ thượng thư.
     Nguyên lão thời Trần, cụ là bậc trên. Vua Trần Anh Tông nói với Trần Minh Tông rằng: Mộc Đạc trải thờ ba đời vua (Nhân Tông, Anh Tông và Minh Tông) là người liêm khiết, cung kính, giữ được văn chất đáng làm gương, chẳng bị người ngăn trở. Nhà vua nhân vẽ hình cụ lưu ở phủ sách, có ý đại dụng. Việc chưa thành thì cụ mất. (mất năm 1326, thọ 62 tuổi – BXV)
     Mộc Đạc trước lấy vợ tại bản xã, sinh con trai là Bùi Mộc Đức. Sau lấy Lê Thị Hiền con gái Lê Văn Thịnh, xã Cống Khê, huyện Thuỵ Nguyên, phủ Thiệu Thiên, sinh con trai thứ là Bùi Quốc Hưng. Sau lại lấy Nguyễn Thị Mỹ, con gái Tịnh quận công, xã Lãng Vĩnh, huyện Tống Sơn, sinh ra Bùi Đốc, Bùi Thu và Bùi Thị Liễu.
(Mộc Đạc mất 1326, Quốc Hưng-cận thần của Lê Lợi cùng thề ở Lũng Nhai-1416, sống chết có nhau 10 năm 1418-1428, thờ các vua Lê: Thái Tổ, Thái Tông đến niên hiệu “Thái Hoà 1443-1453” mới mất. Quốc Hưng là cháu Mộc Đạc – BXV)
     Năm Mậu Thân, niên hiệu Vĩnh Lạc, nhà Minh thấy Nhà Hồ mạt vận, dân cùng nước loạn, vua Minh bèn sai các tên Trấn Viễn Hầu, Lỗ Mộc Hầu, Lý Thạnh xuất binh trăm vạn, thuỷ chiến ba ngàn sang đánh nước ta, giết hại nhân dân, nhập nước ta vào bản đồ Trung Quốc. Ròng rã 20 năm hơn, tỳ tướng Liễu Thăng lại bức bách nước ta. Trời sinh ra Hoàng đế Thái Tổ ta (huý Lợi), nhân cơ nhà Hồ mạt vận, ứng trời, thuận lòng người, căm phẫn trước sự tham tàn của tướng Ngô; mặt khác thực hiện điếu dân phạt tội. Đó là thời điểm Bùi Quốc Hưng cùng các bề tôi có công phụ tá Thái Tổ. Họ cùng đồng lòng, hiệp lực, nhiều lần gặp hiểm nguy, ở trong hang núi, đem quân đánh Ai Lao. Dựa vào đó, dần dà mưu tính chuẩn bị quân nhu, lương thực, khí giới đánh tướng Ngô, phần nhiều các trận đều thất bại. Trăm họ gian lao vất vả. Thái Tổ bèn nói: Trẫm muốn đánh một trận để quyết thắng bại với kẻ thù thì thế nào: Trong số các quan, Bùi Quốc Hưng, Lê Văn An bèn tâu rằng: Nhà vua giữ Ai Lao không đánh, chẳng bằng sai tướng đưa   tin để cản trở giặc Ngô. Vua liền nghe kế sách ấy.
     Bùi Thu là em của Bùi Quốc Hưng lấy vợ là con gái khôi nguyên Phan Đạo Khắc, người xã An Hạ, sinh ra Bùi Văn Nhiên. Thị Liễu là em gái Bùi Thu lấy chồng là Thái phó thượng trụ quốc Đinh Lễ. Trong trận chiến với giặc Ngô, bị chết trong trận Tùng Giang, được phong tặng Trụ linh Đại vương.
     Bùi Quốc Hưng sinh con trai là Bùi Bị theo Lê Thái Tổ, giúp Thái Tổ khai quốc, có nhiều công lao. Vua sai bọn Đinh Lễ, Đinh Bồ, Bùi Bị tiến binh xuống Đỗ Gia (nay là Hương Sơn) phá núi mở đường xuất kích đánh giặc Ngô. Đinh Lễ trú quân tại La Giang (nay là La Sơn), Quyết Viết Hạ (nay là An Việt), Đinh Bồ đóng quân tại xã Nghĩa Liệt, huyện Hưng Nguyên quyết chiến với giặc Ngô và bị chết trận. Bùi Bị chỉ huy hơn trăm quân sĩ giả trang người Ngô vào chỗ Đỗ Cảnh Câu đóng trại, chém chết Cảnh Câu lúc còn đang nằm, rồi hô hét quân sĩ ta. Quân Ngô nghe thấy kinh sợ tán loạn, giặc chết rất nhiều, số sống chạy trốn. Bùi Bị bèn đến động Kị Đà, lén vào chém tướng Ngô là Lý Mộc Hầu, Lý Thạnh, Lý Khánh, gồm 3 tên cùng rất nhiều lính tráng. Giặc thua tán loạn theo Trấn Viễn Hầu chạy đến Liệt Thành dừng lại, dựng cờ, đóng trại, chiêu dụ sĩ tốt. Khi đó, Bùi Bị đại phá giặc ở động Kị Đà, chiếm nơi ấy đóng quân, chiêu tập dân địa phương, rồi truy đuôỉ giặc Ngô đến trang Bì Cốc, xã Ô Đảo, Bình Bản huyện Hương Sơn gặp quan nhân, người nhà trong cung Thái Hậu và công chúa hương sắc nhà Trần. Bùi Bị đích thân đến tận nơi hỏi lí do, sự việc, trả lời: công chúa, Trần Duệ Tông, Hoàng hậu chạy loạn giặc Ngô. Mẹ con dời đến ẩn ở đây. Bùi Bị nói: Tôi vốn là danh tướng, bề tôi của Lê Thái Tổ, từ Ai Lao qua đã đánh tan quân Ngô. Thái Hậu và công chúa nghe nói rất vui, cười mà rằng: xin tướng quân chớ giết. Bùi Bị biết rõ sự tình như vậy, ngay lập tức đón họ về Động Kỵ Đà, dựng doanh trại tại điện Phượng Hoàng, sai người trông coi, bảo vệ cẩn thận. Sau đó, Bùi Bị ngược sang Ai Lao, đích thân đón Thái Tổ về trú quân tại động Tiên Hao, xã An Ấp. Đại diện chư tướng, Bùi Bị bèn cho Thái Hậu và công chúa ra mắt vua. Thái Tổ thấy mẹ con Thái Hậu thuộc bậc quốc sắc. Vua cho là tuổi công chúa còn trẻ, đặt hiệu là Chân công chúa, nhận làm cung phi. Sau sinh ra Trang từ công chúa (Lê Thị Ngọc Châu). Vua ban thưởng Bùi Bị là Nguyên thượng Liễu hầu, lấy tên họ Lê, lập doanh trại tại Kỵ Đà động (sau đổi là thôn Đà, xã Kính Kỵ). Lập các điện Phượng Hoàng, Hương Trản, Ngũ Long làm Nguyên chính Hoàng hậu điện. Đấy là các trang Ngụ Khê, Quang Tế, Hoa Lâm, Binh Khang và Thái Thạch. Lập chợ tại thôn Trang Liệt (tức Phụng Công), Trần Thái Hậu sống ở điện Hoàng Trản, Phượng Hoàng đến sau khi bình định được giặc Ngô, đại cáo cùng thiên hạ.
     Thái Tổ lên ngôi Hoàng đế. Trăm quan trong triều yến mừng. Vua thưởng công, phong tặng. Năm đầu Hoàng đế niên hiệu Thuận Thiên, phong Bùi Quốc Hưng là khai quốc công thần, anh nghị, cương chính, hiệp mưu nguyên thần nhập nội Thái phó. Đến năm thứ hai, nhận tham nghị triều chính. Năm thứ năm thì ông mất (? – BXV), phong tặng Trang quốc công, vinh dự tặng 8 chữ, bậc Thượng trụ quốc; Phong Bùi Bị là khai quốc công thần, trật là Vũ dương hầu tuyên lực nguyên thần, nhập nội thiếu phó. Sau tặng phong 8 chữ, bậc Thượng quận công. Bùi Bị trước lấy Nguyễn Thị Khế, con gái Quận công Lê Văn An, huyện Hương Sơn, sinh con trai là Bùi Ban. Bùi Ban có tài hơn người, võ nghệ cao cường. Người ông cao 7 thước, theo Thượng quận công, tự mình bắt được tướng Ngô là Liễu Thăng trước trận. Vua phong là Chính công minh dực vận, tả quân kị thượng tướng quân minh hương hầu. Ông có công đánh Chiêm Thành, được phong Minh Quận Công. Vua Thái Tổ còn gả con gái là công chúa Trang Từ cho làm vợ. Sau tặng phong tám chữ (nay điện thờ tại Đồng Công xã), bậc Hệ kì đại vương.
     Ngày 22 tháng 8 năm đầu Hoàng đế, niên hiệu Thuận Thiên, vua Thái Tổ băng hà. Thái Tông lên ngôi Hoàng đế (ngày 19 tháng 8, Thái Tông mất). (Thái Tổ mất 22 tháng 8 năm 1433 – BXV)
     Năm thứ 5 Thái Hòa, vua thân chinh đánh Chiêm Thành. Bấy giờ Trang quốc công Bùi Quốc Hưng đã già, trở về ngoại tổ, xã Cống Khê, huyện Thuỵ Nguyên dưỡng tuổi già (? –BXV).
     Thượng Quận công Bùi Bị trấn thủ xứ Nghệ An và bị chết trận. Minh quận công Bùi Ban đi đánh Chiêm Thành, Ai Lao, bắt được chúa Man Lao, bị trúng tên, về quê ngoại xã Phúc Lộc, huyện Hương Sơn rồi bệnh nặng, mất ở đó. Mộ táng tại núi Ông Tự. Con cháu là Nguyễn Tòng Cải, Nguyễn Tòng Lân coi sóc từ đường, lăng mộ, canh tác ruộng đất các xứ mà ông để lại.
     Chính quốc phu nhân Trang Từ công chúa, nuôi dưỡng Bùi Văn Khanh, Bùi Thị Kha, trở về Kị Đà động; Ở đó được 20 năm thời bị Khôi quận công Trần Hồng, xã Đồng Công và Đỗ Thị tranh chấp ruộng đất, phá huỷ nhà thờ, đốt cháy sắc đạo.
     Cho đên sau ngày bình định, Bùi Văn Khanh nhậm chức Tri phủ Đức Quang, động Kị Đà, lộ Bắc Giang, tước Vũ Công hầu. Em gái Bùi Thị Kha lấy con trai Thái phó Cương quốc công Nguyễn Chức, xã Thượng Xá, huyện Chân Phúc là Quận công Nguyễn Cúc. Hai cha con đem binh về để tìm Quận công thì Khôi quận công và dân xã đề bị chém chết hết. Khi đó, họ thu lại ruộng vườn giao lại cho Bùi Văn Khanh và Bùi Thị Kha, dựng nhà ở tại động Kị Đà; lập phủ khố tại Kị Đà; lập trại quan tại Đồng Công; lập quan xá tại Cửa Đình, khê toán Bào Môn tại thôn, tại Hương Trản, Đồng Cừ (tại Phụng Công Xã), Phượng Hoàng (xã Kính Kị). Lập lăng điện tại mộ vua (xã Trung Hoà). Con cháu là Bùi Ngật, Bùi Bằng (nếu Bùi Ngật ở đây là Bùi Thúc Ngật liên quan đến trại quan thì do cụ Bùi Huy Khuê viết vào sau – BXV) trông coi phần mộ, lăng điện và canh tác điền địa, tế tự cúng giỗ. Ở các xứ đều có ruộng thờ như Đồng Công, Hoằng Công, Tự Đồng, Quang Tê, Hằng Nga, Ngụ Khê; cộng tất cả gồm 3965 mẫu. Số ruộng ấy qua thời gian loạn, dân chiếm làm của riêng, chỉ còn lại 1095 mẫu. Số đó gộp cả Bào thổ giao cho dòng tộc phụng sự, dựa vào giấy tờ gốc, để thường năm giỗ cúng, tế tự.
     Vũ Công hầu Bùi Văn Khanh mất, được phong Cao thượng quốc công, mộ táng tại xứ Đồng Quản, tên hiệu Quản lĩnh đại vương. Bùi Văn Khanh lấy vợ xã An Ấp, huyện Hương Sơn, sinh ra Bùi Văn Lĩnh. Bùi Văn Lĩnh lấy con gái Lê Vương là Lê Thị Trinh, sinh ra Bùi Văn Vật, Bùi Văn Minh đều là khai quốc công thần, trụ ở các chùa Hương Trản, Bạch Lộc.
     Bùi Vật sinh Bùi Khắc Khiêm, làm kinh lược các xứ Quảng Nam, Thuận Hoá, là quan phúc kiêm hầu. Lại nhận phụ đạo, dựng nơi ở Kị Đà động con cháu được bảo hộ, tổ tông hồng phúc phát triển. Trải nhiều năm loạn lạc, con là Bùi Thế Lộc, làm vệ đô điện tiền định minh bá.
     Bùi Thế Lộc lấy vợ là Phan Thị Huệ, con của Hộ bộ thị lang bá, tức Phan Văn Khánh, người xã Viên Diệu, huyện Thiên Lộc, sinh 8 người con. Trưởng nam là Bùi Trầm. Thứ nam Bùi Đỗ. Ba là Bùi Hiển. Bốn là Bùi Thế Vinh và 4 con gái.
     Bùi Thế Vinh thi trúng giám sinh, nhậm tri phủ Hoài Đức.
     Cảnh Thống năm thứ 7 (1504 – BXV), vua chinh phạt Ai Lao. Bấy giờ tướng sĩ bị đói khát chết rất nhiều, Bùi Thế Vinh cung cấp 5 kho lương thực cấp cho quân dùng. Mười năm, ông giữ chức tướng sĩ lang, có công ủng hộ lương thực đóng góp cho quốc gia, lại được phong Hộ bộ tả thị lang.
     Bùi Thế Vinh sinh con trai trưởng là Bùi Văn Giám, thời Hồng Đức (Hồng Phúc 1572 thì đúng hơn - BXV), vào khoa Giáp Tuất (1574 - BXV) thi trúng giám sinh, lại trúng tiếp Tam trường, ở chức Tham tri tả hình phan vi lăng chính quan.
     Con Bùi Thế Lộc là Bùi Huống sinh được một con gái là Bùi Thị Đỉnh lấy chồng Lam Kinh, tên là Lê Điều. Gia phả lưu do tổ tông họ Bùi viết để lại, Bùi Thị Đỉnh xem đều thuộc như in điền tự, gia phả. Giặc Hùng Sơn thiêu huỷ gia phả thành tro. Phàm các chi môn họ Bùi, xa ở Hoằng Công, Kị Đà, anh em phiêu dạt, thế lực không thể chống đỡ, để đến mức tổ tông như thế, thời thế như thế.
     Hoàng triều, Hồng Đức ngày tháng tốt, Bùi Văn Giám cẩn ghi
(Ở đây phải là Hồng Phúc - BXV)

   Quan viên đề lại đăng sĩ lang Bùi Huy Khuê cẩn tựa.
     Nói rằng: Sơn có cây, cây có cành, nước có nguồn, nguồn có dòng. Đó là lí lẽ hiển nhiên giữa trời đất. Ta nay kế tục hậu thế dòng họ Bùi, vốn nhuần lời nhắc nhà thờ, trải đời tổ tông, thần tử nhà Lê trước đó đến nay, binh hoả luôn gặp, nhiều lí do gây nên phiêu tán. Họ Bùi đến ở Đà Thôn, đời đời nối tiếp, lưu truyền. Nhưng không thể ghi hết để lưu lại cho đời sau. Nhân sơ lựợc nêu ra từ năm, sáu đời lại đây, thuật lại những cái mình biết, những cái mình thấy, hiện các đời trước còn như các loại đất mộ, ruộng vườn, tế tự, thờ cúng, biên soạn, tập hợp thành một bản. Bản đó ghi thế thứ các đời để truyền lại cho con cháu đời đời thừa tự, gắng không bỏ sót.
     Bùi thị gia phả.
     Mộ cụ tổ xưa tại Đà thôn, sứ Cán Trai, một mẫu (do là mộ tri phủ Bùi Thế Vinh).
     Mộ tổ xưa tại xứ Nhà Lặc, Đà Thôn (của tri phủ Bùi Văn Giám).
     Tên hiệu các đời họ Bùi.
Tiền tổ xưa, công thần Đà Động, tên tự Công Luận Bùi Công.
Tiền tổ bà Bùi chính phi, Phạm thị phu nhân.
Tiền tổ Thử vệ sự đông xuyên hầu tự Công Bảo Bùi Công
Tiền tổ bà thử vệ sự đông xuyên hầu Bùi chính phi Lê thị phu nhân.
Tiền tổ Thái thú khanh triều lộc hầu Bùi công, tên tự Công Chính.
Tiền tổ bà Thái thú khanh triều lộc hầu Bùi chính phi, Bùi thị đại phu    
Cao cao tổ triều quan tử huyện thừa, tự Công Lan. Bùi công (giỗ 16/2)
Cao cao tổ tỉ triều quan tử huyện thừa Bùi chính thất là Bùi Thị Hạnh, tứ phu nhân, huý Thị Sơn.
Cao tổ khảo quan viên tôn khanh đình thị lão, tự Công Lãm. Bùi Công thuỵ Đôn phác phủ quân, thọ 70 tuổi.
Cao tổ tỉ quan viên tôn khanh đình kì lão, chính thất, tam phu nhân.
Tằng tổ khảo tri sự hương đình kì lão, Bùi Công, thuỵ Phác trực phủ quân. Con của Công Lãm, huý Công Vẻ (giỗ 22/10).
Tằng tổ tỉ tri sự hương đình kì lão Bùi chính thất Phạm Thị Hạnh, hiệu Từ Thục phu nhân.
Hiển tổ khảo, hộ giá bình nam, thiên hộ kiệt trung tướng quân viên kị uý trúng tuyển, tự (tên chữ) là Vũ Bá Bùi công. Tên thuỵ là Lệnh tư tráng sĩ phủ quân
     ((là con của Bùi Công Vẻ, huý là Bùi Tăng (nói lái là Bất Căng). Sinh năm Nhâm Dần. Hưởng thọ 70 tuổi. Mất năm Tân Sửu tháng 2, ngày 7 giỗ. Chôn cất ở Mả lội thôn Đà ? ))  (Sinh Nhâm Dần-1722 mất Tân Sửu quá 70 tuổi, mất năm Tân Hợi-1791 mới 70 tuổi - BXV)
Hiển tổ tỉ, bình nam kiệt trung tướng quân, Vân kị uý trúng tuyển, là chính thất (vợ cả), gọi là Bùi Thị Hành, hiệu Trang Từ.
     ((là con gái của Bùi Viết Cửu, huý là Bùi Thị Xanh (nói lái là Lai Anh). Sinh năm Nhâm Dần. Hưởng thọ 76 tuổi. Mất năm Mậu Tý. Giỗ ngày 04/12. Chôn cất ở xứ Quần (cồn) Bái)). (Sinh Nhâm Dần-1722 mất năm Tỵ, Đinh Tỵ-1797, không phải năm Tý, mới đúng 76 tuổi –BXV)
     Cụ sinh ra nam tử là Bùi Huy Khuê, thứ nam Bùi Văn Quyến, Bùi Sa. Nữ tử Bùi Thị Kinh. Lúc ấy Bùi Tăng  đi xa vì việc quân của nhà vua, nên phải ở trong phủ thị nội ở trong kinh, gần với quân vương, không có mặt tại nhà nên nam tử Bùi Khuê theo cha du học tại kinh. Là người minh mẫn, có tiếng văn học, đi thi nhiều không trúng. Vì là chính thất mất trước nên gia tài ông cha để lại theo văn khế và điền thổ vườn tược các loại giao cho bà vợ thứ của cha là người họ Đoàn (Đoàn Thị Loại) trông nom. Thứ nam Văn Quyến trông nom từ đường và phần mộ của tổ tông, lo giỗ chạp.

     Năm Cảnh Hưng thứ 18 (1758 – BXV), Đại nguyên suý, tổng quốc chính thượng sư Minh Vương cho (Bùi Tăng – BXV) làm thị hầu thị nội trong lính ưu binh. Được ra vào phục vụ nhà chúa khá lâu, được bổ chức chỉ thứ nhập cách, ứng vào hàng đội trưởng, cho một đạo lệnh chỉ. Năm Cảnh Hưng thứ 19, ngài theo Hữu Chi vâng lệnh đi bình tây (đánh Chiêm), có công, được chuẩn y bổ chức Bá Hộ, khá là Phấn lực tướng quân, hiệu là Lệnh tư tráng sĩ. Cho nên có đạo sắc cho. Đến năm Cảnh Hưng thứ 39 (1779 – BXV), giữ chức Thị nội hộ giá bình nam, rất vất vả vì việc quân, được thăng lên chức lần thứ hai là Thiên hộ, là Kiệt trung tướng quân, hiệu là Lệnh tư tráng sĩ, Thiên hộ Vân kị uý trúng tuyển, cho nên có được ban một đạo sắc, tờ đạo sắc ấy hiện còn.

     Thứ nam là Bùi Nhưng, mất sớm. Thứ nam Bùi Vạn tự là Thần Tập, là xã trưởng của bản xã, lấy người bản thôn là Phan Thị Sức làm vợ (giỗ ngày     …tháng 3). Sinh nam tử là Bùi Sĩ, tự là Danh Sơn, không có con (giỗ ngày 15/4)

     Lại bị lửa thiêu. Đều bị cháy trụi hết. Ngày ấy Bùi Khuê đang giở việc theo học. Văn Quyến chìm đắm trong cờ bạc khiến cho nhà lâm vào cảnh khuynh gia bạn sản, có lúc đói khát, việc nhà bị bỏ bễ. Đến khi Bùi Khuê trở về, ông thấy nhà lâm vào cảnh gian truân. Ngóng vua và cha đương ở xa, thật là trời cao đất dày, ngày đêm lo lắng suy nghĩ, khó thay việc khôi phục lại cơ nghiệp của tổ tông. Lúc ấy ở Hạ thôn (thôn Hạ) của bản xã có tiên sinh họ Đoàn làm tại bản huyện tên tự là Quý Cân vốn có quan hệ là bạn làm quan với cụ Bùi Tăng, mới gả con gái trưởng là Đoàn Thị Sắc cho Bùi Khuê làm vợ. Hai vợ chồng mới ở trên một thửa vườn do nhạc phụ mua cho (mảnh đất này phía đông gần với Nguyễn Dương Sắc, phía tây gần với vườn của nhạc phụ) với giá tiền là 100 quan, đủ cả văn khế. Nên đã dựng nhà ở tại vườn ấy. Chẳng may bị cướp nên mất cả văn khế cũng như tất cả tài sản gia đình. Chỉ đến khi Tây triều nổi lên (ý chỉ triều Tây Sơn) mới được cấp cho tín bài, lại được nhập bạ vào thôn Hạ. Chẳng may Bùi Tăng bị mất ở kinh thành. Thư báo đến, Bùi Khuê lên kinh mang hình hài cha về mai táng, để tang 3 năm. Được nhà Tây Sơn vào năm Nhâm Tý (1792 - BXV) niên hiệu Cảnh Thịnh bổ nhiệm chức Trấn tư cai lại (viên lại ở Trấn). Đến năm Nhâm Tuất (1802 - BXV) niên hiệu Gia Long, lại được bản huyện chọn làm đề lại, còn đủ cả dấu son, làm việc đã lâu. Đến năm Minh Mệnh thứ 5 (1824 – BXV), lúc sắp già, ông có đơn xin hưu trí. Thứ đệ của ông là Bùi Văn Quyến theo việc binh. Năm Bính Ngọ (1846 - BXV), triều Lê mạt mất nước, ông đi trận, mất cả thân thể hình hài (Văn Quyến giỗ vào ngày 14 tháng 4).
     Trưởng nữ Bùi Thị Kinh lấy người trong thôn, họ Phan, là Phan Văn Bình. (sinh được 1 gái. Tháng 10 mồng Một, mẹ con cùng giỗ)
     Hiển tổ khảo có bà trắc thất (vợ lẽ) là Đoàn Thị Lại.
     (Sinh con trai là Bùi Thiệp, mất sớm, giỗ ngày 1/10)

     Hiển khảo tiền lê ấm quan viên tử trải nhận Đề lại đăng sĩ lang kiêm hương đình kì lão, tên tự Huy Khuê Bùi công, tên thuỵ Văn Nghị phủ quân. Con Bùi Tăng, huý Bàn sinh ngày 16/10 năm Nhâm Dần, hưởng thọ 70 tuổi, mất ngày 2/3 năm Bính Tuất, táng tại Cần Lặc. (Mất Bính Tuất -1826 không thể sai do con viết năm mất của cha, mà sinh Nhâm Dần 1782 chỉ có 45 tuổi, nếu đúng 2 cụ: Tăng và Huy Khuê cùng tuổi Dần, năm sinh phải là Mậu Dần 1758, 69 tuổi; Mặt khác, trường hợp này 3 người: cha mẹ và con không thể cùng sinh năm Nhâm Dần – BXV)
     Hiẻn tỉ quan viên tử, đề lại đăng sĩ lang Bùi chính thất Đoàn Thị Hạnh hiệu Từ Huệ phu nhân.
     Bà Đoàn Thị Hạnh là con gái trưởng quan tri phủ Đoàn Công Quý, sinh năm Tân Tỵ, thọ 70 tuổi, mất ngày 1 tháng 3 năm Nhâm Thìn. (Sinh Tân Tỵ-1761, mất Nhâm Thìn-1832 là 72 tuổi, nếu mất tuổi 70 phải là Canh Dần , cụ Khuê sinh 1758, cụ Hạnh sinh 1761 là đúng– BXV)
     Sinh con trai là Bùi Duy Hoà, tự Huy Chương, huý Danh Vượng, con trai thứ Bùi Văn Giác, con gái Bùi Thị Yến, Bùi Thị Lưu. Hai người Văn Lãm, Thị Lưu mất sớm. Bùi Thị Yến lấy chồng (kế thất) là Lê Văn Quýnh, thôn Thượng Tứ, xã Bùi Xá, huyện La Sơn, sinh được một con gái.
     Trưởng nam Bùi Huy Chương lấy vợ là Nguyễn Thị Cấp, người xã Lai Đồng, huyện La Sơn, sinh con cái là Bùi Điếu, tên tự Danh Bình. Con trai thứ là Bùi Đinh, tự là Định, con gái là Thị Mùi lấy chồng là Trần Xuân Miên, người thôn Nhân Thi cùng xã.    

     Phụ lục hệ vô tự.
-Tổ bá: Bùi Câu.
-Tổ thúc: Bùi Vang, Bùi Đỉnh.
-Tổ cô: Thị Lao, Thị Mão, Thị Mặc, Thị Tô.
-Đường Thúc: Bùi Nhưng, Bùi Vạn, Bùi Dân, Bùi Sung.
-Vong cô: Thị Quý, Thị Thành.
-Vong thúc: Bùi Đắc (tự Xuân, giỗ 14 tháng 4), Bùi Trắc, Bùi Sè (giỗ 14 tháng 4), Bùi Giác (giỗ 2 tháng 7)
-Vong cô: Thị Quành (giỗ 1/10), Thị Lưu (giỗ 16/9).

     Phụ lục ngày giỗ Tổ, tỉ, phụ mẫu.
-Ngoại tằng tổ hương đình thị lão Bùi Công, tự là Viết Doãn (giỗ 13/2)
Ngoại tằng tổ tỉ Bùi chính thất là Bùi Thị Hạnh (giỗ 25/6)
-Ngoại tổ là tri huyện La Sơn, tên tự Quý Hân, Đoàn tiên sinh (giỗ 22/11)
Ngoại tổ tỉ Phan Thị Hạnh (giỗ 28/8), huý Thị Lam sinh con gái đầu là Đoàn Thị Sắc lấy Bùi Huy Khuê, sinh con trai là Bùi Huy Chương.

          Năm Nhâm Tuất, niên hiệu Gia Long. Đề lại Bùi Huy Khuê viết
                             Con trai là Bùi Huy Chương viết lại.
 (Cụ Huy Khuê viết từ Nhâm Tuất-1802, cụ Chương viết lại sau khi cụ Khuê mất 1826,)

(BXV chú thích ở đây do đã đối chiếu nhiều tư liệu)

(Dưới đây là cháu cụ Chương viết lại vào năm 1909)

                Duy Tân năm thứ 3, ngày 1 tháng 4. Bùi tộc tôn tử.
     Liệt vị danh hiệu thế thứ các đời họ tộc Bùi, để tiện viết chúc văn.
-Thuỷ tổ khảo An phủ sứ Diễn Châu triều Trần nguyên họ Phí (sau đổi họ Bùi), tên tự Mạnh phủ quân.
Thuỷ tổ tỉ An phủ sứ nguyên họ Phí, quý công chính thất cung nhân.
-Tiên tổ khảo trúng thi Hội, khoa Giáp Thìn thời Trần (đệ tam giáp tiến sỹ xuất thân), Hàn lâm đại học sỹ, Trung thư tả thị lang, Lại bộ thượng thư, nguyên là họ Phí, đổi thành họ Bùi, Bùi công Mộc Đạc phủ quân.
Tiên tổ tỉ Bùi quý công chính thất, thục nhân, Bùi quý công kế thất họ Lê Thị Hiền thục nhân, Bùi quý công kế kế thất Nguyễn Thị Ngọc Mỹ thục nhân (con gái Tịnh quận công)
-Tiên tổ khảo chiêu văn quán Bùi công Mộc Đức phủ quân đời Trần (con trai trưởng của Bùi công Mộc Đạc do bà chính thất sinh).
-Tiên tổ khảo khai quốc công thần, anh nghị cương chính, hiệp mưu nguyên thần nhập nội thái phó, bệ thụ tham nghị, bỉnh triều chính tặng phong Trang quốc công, vinh phong 8 chữ, Thượng trụ quốc Bùi công Quốc Hưng phủ quân (Bùi công là con thứ của Bùi Đạc, kế thất Lê Thị Hiền sinh ra). Chính thất (không rõ).
-Tiên tổ khảo chiêu văn quán, đệ tam lang Bùi công huý Đốc phủ quân (đời Trần) là con thứ ba của Bùi công Mộc Đạc và kế thất Nguyễn Thị Mĩ,. Chính thất không rõ.
-Tiên tổ khảo chiêu văn quán, đệ tứ tam lang, Bùi công huý Thu phủ quân (con trai thứ tư của Bùi công Mộc Đạc, kế kế thất Nguyễn Thị Mĩ).
Tiên tổ tỉ Bùi công chính thất Phan Thị phu nhân (con gái Khôi nguyên Phan Đạo Thống).
-Tiên tổ khảo khai quốc công thần, trật vũ dương hầu, tuyên lực nguyên thần, Nhập nội thiếu phó, tặng phong tám chữ, Thượng quận công huý Bị phủ quân (con Bùi công Quốc Hưng).
Tiên tổ tỉ Quận công Bùi quý công chính thất Lê Thị Khiết phu nhân (con gái Cách quận công Lê Văn An). Lê triều khánh phong đại hạnh.
-Tiên tổ khảo Bùi công Văn Nhiên phủ quân, chính thất không rõ.
-Tiên tổ khảo Lê triều vinh phong hệ chính công minh dực vận tả quân kị thượng tướng quân, Minh hương hầu gia phong Minh quận công tặng phong 8 chữ, tự là Hấp kì đại vương kì vương Bùi công huý Ban phủ quân (con trai Thượng quận công Bùi Bị).
Tiên tổ tỉ Lê triều gia phong Minh quận công Bùi quý công chính thất Trang Từ công chúa Lê Thị Ngọc Châu phu nhân (con gái Lê Thái Tổ)
-Tiên tổ khảo Lê triều Tri phủ Đức Quang Vũ công hầu Bùi công Văn Khanh phủ quân (con trai Minh quận công Bùi Ban, táng tại Đồng Quản).
Tiên tổ tỉ, triều Lê Tri phủ Đức Quang, Vũ công hầu, vinh phong Cao thượng quốc công Bùi quý công chính thất, người xã An Ấp.
-Tiên tổ khảo triều Lê, quan viên tử Bùi công Văn Lĩnh phủ quân (con trai Bùi công Văn Khanh).
Tiên tổ tỉ, triều Lê, quan viên tử Bùi công chính thất Lê Thị Trinh phu nhân.
-Tiên tổ khảo, khai quốc công thần nhà Lê, cư trú các chùa Hương Trản, Bạch Lộc Bùi công Văn Vật phủ quân (con trưởng Bùi công Văn Lĩnh). Chính thất chưa rõ.
-Tiên tổ khảo Bùi công hữu Bằng phủ quân (con thứ Bùi công Văn Lĩnh). Chính thất không rõ.
-Tiên tổ khảo, triều Lê, quan kinh lược các xứ Quảng Nam, Thuận Hoá, Phúc kiêm hầu, lại phụng nhậm phụ đạo xã Hoằng Công, huyện Hương Sơn, phủ Đức Quang Bùi công Khắc Khiêm phủ quân (con trai Bùi công Văn Vật). Chính thất không rõ.
-Tiên tổ khảo, triều Lê, Vệ đô điện tiền định minh bá Bùi công Thế Lộc (con trai Bùi công Khắc Khiêm).
Tiên tổ tỉ, Bùi quý công chính thất họ Phan, huý… cung nhân (con gái Bá công).
-Tiên tổ khảo Lê triều quan viên tử Bùi công huý Trầm phủ quân (con trưởng của Bùi công Thế Lộc). Chính thất không rõ.
-Tiên tổ khảo Lê triều nho sinh đệ nhị lang Bùi công huý Đỗ phủ quân (con thứ của Bùi công Thế Lộc). Chính thất không rõ.
-Tiên tổ khảo Lê triều nho sinh đệ tam lang Bùi công Huý Hiển phủ quân (con thứ ba của Bùi công Thế Lộc). Chính thất không rõ.
-Tiên tổ khảo triều Hồng Đức trúng thi giám sinh, Tri phủ Hoài Đức tái vinh phong Hộ bộ tả thị lang Bùi công Thế Vinh phủ quân (con thứ tư của Bùi công Thế Lộc). Chính thất không rõ.
-Tiên tổ khảo triều Hồng Đức trúng thi giám sinh, thêm trúng tam trường tham tri tả hình bộ lăng chính quan Bùi công Văn Giám phủ quân (con trai Bùi công Thế Vinh). Chính thất không rõ.
(Trên đây chép theo bản cũ ,ở dưới đây chép theo bản mới)
-Tiên tổ khảo Lê triều quan viên tử Bùi lệnh công huý Trường, tên thuỵ Đoan Phác phủ quân (con trai Bùi Văn Giám). Chính thất chưa rõ. Giỗ ngày 18/11, mộ táng tại Mông Sơn Muội.
-Tiên tổ khảo triều Lê, Thiên hộ chức Bùi lệnh công huý Hạnh, tên thuỵ Chất Phác phủ quân (con của Bùi công huý Trường, giỗ 20/6, mộ tại Trạng Lửa).
Tiếp:
-Tiền tổ xưa, công thần Đà động, tên tự Công Luận Bùi công.
Tiền tổ bà Bùi chính phi, Phạm thị phu nhân.
-Tiền tổ Thử vệ sự động xuyên hầu tự Công Bảo Bùi công.
Tiền tổ bà Thử vệ sự đông xuyên hầu Bùi chính phi Lê thị phu nhân.
-Tiền tổ Thái thú khanh triều lộc hầu Bùi công, tên tự Công Chính.
Tiền tổ bà Thái thú khanh triều lộc hầu Bùi chính phi, Bùi thị đại phu.
-Cao cao tổ triều quan tử huyện thừa tự Công Lan Bùi công (giỗ 16/2).
Cao cao tổ tỉ triều quan huyện thừa Bùi chính thất là Bùi Thị Hạnh, tứ phu nhân, huý Thị Sơn.
Cao tổ khảo quan viên tôn khanh đình kì lão, tự Công Lãm Bùi công thuỵ Đôn Phác phủ quân, thọ 70 tuổi.
Cao tổ tỉ quan viên tôn khanh đình kì lão, chính thất, tam phu nhân.
-Tằng tổ khảo tri sự hương đình kì lão, Bùi công, thuỵ Phác Trực phủ quân, con của Công Lãm, huý Công Vẻ, giỗ 22/10.
Tằng tổ tỉ tri sự hương đình kì lão Bùi chính thất Phạm Thị Hạnh, hiệu Từ Thục phu nhân.
-Hiển tổ khảo quân vân kị uý trúng tuyển, tự (tên chữ) là Vũ Bá Bùi công. Tên thuỵ là Lệnh tư tráng sĩ phủ quân (là con của Bùi Công Vẻ, huý là Bùi Tăng).
Hiển Tổ tỉ, Bình nam kiệt trung tướng quân, Vân kị uý trúng tuyển, là chính thất, gọi là Bùi Thị Hành, hiệu là Trang Từ.
-Tổ khảo quan viên tử đề lại đăng sĩ lang Bùi Huy Khuê (con Bùi Tăng)
-Tổ khảo Bùi Duy Hoà tự Huy Chương, huý Danh Vượng (con Bùi Huy Khuê)
-Hiển khảo Bùi Điếu tự Danh Bình, Bùi Đinh tự là Định (con trưởng, con thứ Bùi Huy Chương)
-Hiển khảo hương đình lão nhiêu họ Bùi, tự Lưu Quang, thuỵ là Phác Thực phủ quân (con trai Bùi công huý Hợp), giỗ 6/11.
Hiển tỉ hương đình lão nhiêu Bùi công chính thất (không rõ).

Lời chú của Bùi Xuân Vịnh: Nghiên cứu kỹ nội dung và đối chiếu nhiều tài liệu thấy:
1.Gia phả này là bản do cháu cụ Huy Chương viết lại 1909, đã qua 3 lần viết lại, sai nhầm là thường. Cụ Giám viết đầu (1572), cụ Khuê viết lại và tiếp năm 1802. Cụ Chương viết lại và tiếp sau năm 1826. Cháu cụ Chương viết lần cuối vào năm 1909.
2.Các lần viết lại đều nối liên tục tên các thế thứ nên có độ tin cậy nhất định.
3.Các nội dung cần khẳng định: -Cụ Quốc Hưng là cháu cụ Mộc Đạc. Vì cụ Quốc Hưng còn tại nhiệm (1437) khi cụ Mộc Đạc đã mất trên 100 năm (cụ mất 1326).
-Cụ Giám viết vào niên hiệu Hồng Phúc. Vì Hồng Đức có 28 năm (1470-1497). Gia phả không ghi năm (thứ mấy) chỉ ghi ngày tháng tốt. Hồng Phúc chỉ một năm 1572 (tháng Giêng/1572, Lê Anh Tông tế trời bị rơi lư hương xuống đất là “điềm dữ” nên đổi niên hiệu Hồng Phúc. Năm 1573, Lê Thế Tông lại đổi là Gia Thái). 28 năm Hồng Đức: 1470 Canh Dần - 1474 Đinh Tỵ không có năm Giáp Tuất để Cụ Giám thi trúng giám sinh như gia phả ghi. Năm Giáp Tuất 1574, mùa xuân nhà Mạc mở khoa thi Hội. Năm này cụ Giám thi trúng giám sinh. Cho dù viết cuối niên hiệu Hồng Đức, năm thứ 28, 1497, mà năm 1437 cụ Quốc Hưng còn tại nhiệm. Từ cụ Quốc Hưng đến cụ Giám có 10 đời, 60 năm (qua các cụ Bùi Bị-Bùi Ban-Bùi Khanh-Bùi Lĩnh-Bùi Vật-Bùi Khiêm-Bùi Lộc-Bùi Vinh-Bùi Giám) là khó thể có (coi là sai) (sửa 14/02/13)-BXV.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét