Thứ Ba, 21 tháng 6, 2011

NÉN HƯƠNG THẮP VỌNG NGÀN XƯA

NÉN HƯƠNG THẮP VỌNG NGÀN XƯA

     Những ngày cuối cùng của năm Canh dần miền Bắc rét đậm, ở vùng núi có nơi nhiệt độ xuống âm không độ. Giỗ hai tướng công Bùi Thạch Đa, Bùi Thạch Đê và 500 nghĩa binh dưới cờ Tướng lệnh của hai cụ, ngày 15 tháng chạp năm Canh Dần, ngày giáp tết tê buốt vì giá lạnh. Nhưng ngày giỗ hôm nay lại bừng lên một không khí lễ hội linh thiêng, bên những tán cọ xanh rờn, như cờ như lọng, giữa khung trời sương trắng mờ ảo của vùng kinh đô tiền sử Phong Châu.
     Giỗ hai tướng công Bùi Thạch, hàng năm vào ngày rằm tháng chạp âm lịch. Tuy năm nay thời tiết khắc nghiệt, nhưng con cháu về tề tựu khá đông, nhiều cụ tuổi ngoại tám mươi, các anh chị là cán bộ, viên chức, thanh niên năm nay về giỗ tổ, nhiều hơn năm ngoái. Đoàn Thái Bình, Quảng Ninh, Yên Bái, Tuyên Quang v.v… Riêng đoàn Vĩnh Bảo – Hải Phòng, các cụ xuất phát ở địa phương 3 giờ sáng, nhưng do chưa biết đường, đi thẳng lên Việt Trì lòng vòng hơn ba trăm cây số, mãi tận 10 giờ mới tới được mộ Tướng công để dâng lễ. Đoàn Ban Thường trực họ Bùi Việt Nam, do Giáo sư – Thiếu tướng – Anh hùng Lực lượng vũ trang Bùi Đại dẫn đầu. Tất cả tập trung tại nhà cụ Bùi Đình Cư đông tới hơn hai trăm người. Gia đình cụ Cư là dòng tôn thất của hai tướng công anh em ruột Bùi Thạch Đa, Bùi Thạch Đê. Trong ngôi nhà bình dị, khá khiêm nhường, phần trang trọng nhất của ngôi nhà, con cháu đã dành ra truyền đời 1958 năm thờ bài vị hai Tướng công Bùi Thạch. Từ khi có Ban liên lạc họ Bùi Việt Nam mở rộng thông tin đến nay, gia đình cụ Cư phải lĩnh thêm phần đón tiếp, hướng dẫn, tổ chức thăm viếng phần mộ và giỗ tết hàng năm của con cháu họ Bùi thập phương về lễ tổ. Đây cũng là một trách nhiệm nặng nề hơn đối với một gia đình vùng trung du, thuần nông của cụ. Nhưng lòng hiếu khách của cụ Cư và gia đình, chi họ Bùi ở Hiền quan thật chu đáo vẹn toàn, sâu nặng. Hẳn ai đã đến một lần, chắc không thể nào quên nghĩa cử ấy.
     Trước khi ra mộ dâng hương, tại gia đình cụ Cự có buổi gặp mặt thân tình, giới thiệu giao lưu nhỏ với các cụ và con cháu dòng họ. Tại buổi giao lưu năm nay, Nhà giáo Bùi Ngọc Đào, Ủy viên Hội đồng Trưởng lão họ Bùi Việt Nam – Chủ tịch Hội đồng Trưởng lão tỉnh Phú thọ. Đã thay mặt BLLHB tỉnh Phú Thọ, đánh giá khái quát cao các hoạt động của bà con họ Bùi trong tỉnh một năm qua. Đó là sự phấn đấu năng động và trí tuệ, đã đưa đến kết quả UBND tỉnh Phú Thọ ra quyết định xếp hạng Khu di tích lịch sử Rừng Cấm – Giếng Mỏ. Đây là sự vinh danh- sự trở lại, thổi bùng lên ý chí quật cường của 500 nghĩa binh tướng sĩ, đã đánh giặc đến hơi thở cuối cùng và tử tiết vì non sông đất Việt. Trong đó có hai vị tướng công Bùi Thạch là linh hồn, là ngọn cờ lộng gió của Khu di tích lịch sử Rừng Cấm – Giếng Mỏ. Ông đã điểm lại những mốc quan trọng, những tiến bộ của con cháu trong dòng họ vươn lên trong năm 2010, có sự dẫn dắt chỉ lối và hồng phúc tổ tiên soi tỏ. Ông cũng kiến nghị với BLLHBVN một số công việc thiết thực của dòng họ chúng ta năm 2011.      
     Hai mộ viễn tổ Bùi thạch đã đặt dấu ấn cho trang sử mới, ngày giỗ tổ của ta, nay -  là “Ngày Giỗ trận”. Nói theo cách nói của Tiến sĩ Bùi Phúc Khánh, Trưởng ban liên lạc họ Bùi tỉnh Phú Thọ là , “ các cụ nhà ta đã vào biên chế Nhà nước”. Vâng, đúng vậy! Vì ngày 8 tháng 1 năm 2011, UBDN tỉnh Phú thọ đã ra quyết định xếp hạng Khu di tích lịch sử Rừng Cấm – Giếng Mỏ, là khu di tích lịch sử cấp tỉnh. Cũng có nghĩa rằng, sự kiện lịch sử diễn ra tại mảnh đất oanh liệt này, đã cách đây đã gần hai ngàn năm, nay mới được “khởi động lại” để đi vào chính sử. Quyết định này đã như một sự “ kích hoạt” mới vào niềm tự hào, tinh thần yêu nước của trăm họ trên mảnh đất vốn quanh năm tĩnh lặng đìu hiu, để hôm nay người dân nơi đây đi Giỗ - cũng là đi Hội ! Đó chính là khát vọng tôn vinh, tướng sĩ cùng năm trăm nghĩa binh quê hương đã chiến đấu chống giặc Mã Viện xâm lược ( năm 43 sau Công nguyên) và họ đã tử chiến vì quê hương đất nước. Hôm nay mới được ghi danh.  Nhưng cao hơn ở đâu đó, tôi còn thấy được hình bóng tướng công cùng 500 nghĩa binh sinh tử một thời, đang hiện về ầm ào trong tiếng gió, trong những làn mây mỏng manh xuống thấp, trong tiếng rung nhẹ mơ hồ của Rừng cấm xanh non, trong hạt mưa thưa nhặt nối đất với trời. Tất cả hòa quyện tuôn chảy từ dòng máu tiền nhân, đến con cháu mọi miền đất nước hôm nay, một khí phách anh hùng vọng tự ngàn xưa. 
     Khi lễ trọng được tiến dâng lên nhị vị Tướng công và linh hồn của các nghĩa sĩ cùng 500 trăn bộ binh phục vàng mã, ngựa chiến, hương hoa quả phẩm trong khói hương ngút ngàn linh khí. Tiến sĩ Bùi Phúc Khánh, Trưởng BLLHB Phú thọ long trọng đọc “Văn Tế Giỗ Trận”. Ông ca ngợi những chiến tích oai hùng của 500 trăm nghĩa binh cùng hai vị tướng công Bùi Thạc Đa, Bùi Thạch Đê về tụ nghĩa dưới cờ công chúa Thiều Hoa, thời Trưng Nữ Vương phất cờ khởi nghĩa cứu nước , trả thù nhà. Bài Văn tế nhấn mạnh đến sự hy sinh quả cảm của 500 nghĩa binh, thà làm ma đất Việt, chứ nhất định không can tâm rơi vào tay giặc. Khí tiết ấy đã để lại một tấm gương chói lọi, bất diệt cho hào khí non sông, đất Việt. Chính gương hy sinh cao cả ấy của các nghĩa binh, đã đưa mảnh đất Rừng cấm – Giếng mỏ, trở thành Khu di tích lịch sử, để đời đời con cháu noi theo. Cũng tại buổi giỗ trận hôm nay, trong không khí trang nghiêm bên phần mộ của hai tướng công Bùi Thạch và lễ tạ binh sĩ của Người. Giáo sư- Thiếu tướng Bùi Đại đã đọc một bài diễn văn quan trọng, Thiếu tướng ca ngợi công lao các vị dũng tướng và binh sĩ đã cùng hai vị Tướng công chiến đấu chống kẻ thù xâm lược từ phương Bắc xuống. Chiến công ấy của nhà nước sơ khai, nhưng nó là ý chí quật cường của cả một dân tộc, sẵn sàng hy sinh để gìn giữ từng tất đất non sông của tổ quốc. Thiếu tướng cũng trân trọng cảm ơn lãnh đạo tỉnh Phú thọ đã quyết định xếp hạng Khu di tích lịch sử. Đây không chỉ là niềm vui với người họ Bùi, mà còn là niềm tự hào về truyền thống chống ngoại xâm của cả Việt Nam chúng ta.
     Một sự linh thiêng đến bất ngờ, khi Tiến sĩ Bùi Phúc Khánh làm lễ dâng hương cho 500 nghĩa sĩ và thập loại chúng sinh. Thì bát hương trên Ban thờ hai dũng tướng Bùi Thạch Đa, Bùi Thạch Đê bùng bùng bốc cháy, tạo lên  ngọn lửa rực rỡ như một bó đuốc. Đây là lần thứ hai tôi chúng kiến, năm ngoái cũng vào thời khắc thiêng liêng này, bát hương đã bốc cháy dưới trời mưa bay nặng hạt. Điều ấy có thể đã cho chúng ta một niềm tin, một niềm tin không vô tình, mà nó là thông điệp gửi về từ nguồn cội sâu xa !
     Thay cho lời kết, người viết bài này xin có một ý kiến nhỏ :
- Khu di tích và hai mộ tướng công họ Bùi, là Di tích cấp tỉnh. Nhà nước có ngân sách đầu tư, nhưng mức độ còn hạn chế. Vì vậy con cháu họ Bùi cần phát tâm công đức, thì việc xây dựng Lăng mộ hai cụ mới khang trang được.
- Cho dù quần thể Khu di tích có được xây dựng khang trang, thì nơi thờ chính Bài vị hai tướng công Bùi Thạch, vẫn phải là nhà cụ Bùi Đình Cư. Vì đây chính là tôn thất, nơi thờ hai tướng công gần hai ngàn năm qua. Cả họ phải xem đó như là “ trụ sở chính”.  Đã đến lúc BLL nên có những chủ trương vận động ủng hộ, để gia đình cụ Cự có điều kiện nâng cấp nơi thờ hai tướng công họ Bùi khang trang hơn, xứng tầm với võ công hiển hách của viễn tổ chúng ta.

                                                                               Hiền Quan, ngày 15 tháng chạp Canh Dần   
                                                                                                       Bùi Hoa Nam

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét