Thứ Tư, 29 tháng 6, 2011

Vui, khổ đều vì “người tình”

Nhà nghiên cứu âm nhạc Bùi Trọng Hiền:
     TP - Bùi Trọng Hiền bùi bụi với tóc búi củ hành, nước da ngăm, quần bò, áo sơ mi khoác ngoài, trong là chiếc áo phông sẫm màu. Nhưng nhìn anh một cách trực diện, linh cảm mách cho tôi đây còn là một người chất chứa nhiều tâm sự, ẩn sâu là một tâm hồn đa cảm đa mang.
Thu âm cồng chiêng tại buôn làng
     Ít người biết, anh đã mang bệnh thật sự chỉ vì đam mê cồng chiêng Tây Nguyên, và bị vợ bỏ vì “hâm nặng” - cái hâm chỉ vì anh còn yêu đủ thứ âm nhạc truyền thống nữa.
     Mê “giải mã” cồng

     Bùi Trọng Hiền sinh năm 1966, vào giờ Dần, tháng Thìn. Số phận đã an bài cho anh cầm tinh con Ngựa, nên có lẽ số phận cũng buộc anh phải đi, phải rong ruổi khắp nơi khi trót mang trong mình những đam mê mà anh gọi đùa là những “người tình”. Anh vui vì “người tình”, khổ cũng vì… “người tình”.

     Bùi Trọng Hiền bảo, trước đây anh chủ yếu nghiên cứu âm nhạc của người Kinh, mà âm nhạc người Kinh thì phong phú lắm, có nghiên cứu mãi vẫn còn vấn đề để… nghiên cứu.
     Có lẽ, bước ngoặt bắt đầu khi anh mang theo “bài toán khó” vào Tây Nguyên, mà người “ra đề” không ai khác chính là thầy anh, giáo sư Tô Ngọc Thanh. Đó là những ngày đầu tháng 5 năm 2004, khi đó do nhiều nguyên nhân, hồ sơ về Cồng chiêng Tây Nguyên phải trình lên UNESCO sớm hơn kế hoạch đã định.
     Nhận được lệnh, GS Tô Ngọc Thanh liền chỉ đạo Bùi Trọng Hiền cùng một số anh em trong cơ quan lên đường vào Tây Nguyên hoàn tất hồ sơ. Thực ra từ trước tới nay, đã có rất nhiều người nghiên cứu về Cồng chiêng. Ai cũng nhận thấy là nó rất phong phú, đa dạng, độc đáo. Tuy nhiên, để thấy được Cồng chiêng phong phú, đa dạng, độc đáo ở chỗ nào thì có lẽ đó vẫn là vấn đề đang bỏ ngỏ. Nhiệm vụ của Bùi Trọng Hiền là phải “giải mã” Cồng chiêng bằng những thông số khoa học, bằng những dẫn chứng cụ thể. GS Tô Ngọc Thanh nhắn nhủ thêm với anh: “Phải cố chứng minh những điều này, chưa ai làm được đâu. Mày làm đi!”.
     “Cồng chiêng là một nhạc cụ đa âm. Khi nghe một tiếng cồng, không bao giờ ta chỉ nghe thấy một nốt mà có rất nhiều nốt, nhiều âm trong đó. Hiệu quả âm thanh của nó rất dày. Khi đánh lên, bao giờ cũng có nhiều nốt vang song song cùng  lúc. Hơn nữa, Cồng chiêng còn là nhạc cụ có tính liên kết tập thể cao. Trong giàn Cồng chiêng, mỗi người chơi một chiếc. Nó giống như một cây đàn khổng lồ và mỗi người chơi một phím đàn. Chính nhờ sự liên kết, lắp ghép rất tài tình đã tạo nên bản nhạc độc đáo, hấp dẫn”. Anh thao thao bất tuyệt khi nói về “người tình” mang tên Cồng chiêng như một người đang lên đồng.
     Dường như với anh, Cồng chiêng đầy ma mị, đã dính vào rồi thì khó lòng mà dứt ra được. Bùi Trọng Hiền tâm sự, lúc nhận lệnh vào Tây Nguyên anh đã từ chối vì lúc đó mẹ anh đang ốm nặng, vợ lại đang trong thời gian chờ sinh. Nhưng lúc đó, anh không có sự lựa chọn nào khác, vì đó là nhiệm vụ của cơ quan giao. Và anh, với tư cách là một người nghiên cứu say mê và có trách nhiệm với nghề, chỉ biết bằng mọi giá phải hoàn thành nhiệm vụ thật tốt. Và còn một lý do nữa, như anh thú nhận: “Cồng chiêng không chỉ hấp dẫn mà còn rất quyến rũ!”.
     Chuyến điền dã Tây Nguyên của anh diễn ra vừa đúng một tháng: từ ngày 7 tháng 5 đến ngày 7 tháng 6 thì trở ra Hà Nội. Trong một tháng đó, anh phải đi đến các buôn làng của 5 tỉnh Tây Nguyên: Lâm Đồng, Đăk Lăk, Đăk Nông, Kon Tum, Gia Lai làm nhiệm vụ thu băng và ghi chép âm thanh của Cồng chiêng. Đây là lần đầu tiên anh tiếp xúc với Cồng chiêng nên phải vừa làm vừa mày mò tìm hiểu. Chuyến đi đó của anh có một nghịch lý, anh biết trước nhưng không thể tránh được.
     Thời gian đó, Tây Nguyên đang là mùa mưa. Từ trước tới nay, trong nghề của anh, không ai đi điền dã vào mùa mưa cả. Một mặt, vào mùa mưa, thiên nhiên vô cùng khắc nghiệt, gây cản trở nhiều cho công việc. Mặt khác, mùa mưa không phải là mùa lễ hội nên đồng bào sẽ không tổ chức lễ. Chính vì vậy, để hoàn thành nhiệm vụ của mình, Bùi Trọng Hiền phải nhờ đến sự giúp đỡ của các Sở Văn hóa Thông tin. Cũng may, đến đâu họ cũng nhiệt tình trong việc dựng lại các nghi lễ để anh có thể quay phim, thu âm và ghi chép.
     Một tháng - khoảng thời gian không phải là nhiều nhưng Bùi Trọng Hiền đã có những ngày sống cùng với đồng bào ở những buôn heo hút, nơi đó, có những tộc người vẫn còn cởi trần. Họ hồn nhiên như cây rừng nhưng tình cảm mà họ đối đãi với “cán bộ” là thật. Nó làm anh cảm động, không bao giờ có thể quên được. Nhưng với anh, nhớ đến trào nước mắt, vẫn là những ngày cuối cùng của chuyến điền dã, khi đó đoàn của anh đang thực hiện nghi lễ ở Kbang (Gia Lai).
     Xong công việc, cán bộ trên Sở yêu cầu phải rút nhanh vì làng cách đường cái hai con suối, nếu không ra nhanh thì lũ về, không thể ra được nữa. Trong khi mọi người đã yên vị trên xe thì Hiền là người dọn đồ cuối cùng. Lúc đó, không kịp chạy lại để từ biệt các nghệ nhân, anh đành đứng ở cửa xe và hét lên một tiếng thay cho lời chào. Tiếng hét của anh lúc đó, không đơn thuần chỉ là tiếng hét. “Rừng” nghệ nhân bên dưới nhanh chóng bắt được “tín hiệu” và tất cả cùng đồng loạt hú đáp lại tiếng hét của anh.
     Khi xe bắt đầu chuyển bánh, mọi người cùng chạy theo, các chàng trai Bana đóng khổ đuổi theo rồi trùm lên đầu anh những chiếc vòng bằng tre trong mùa lễ hội. Những ánh mắt nhìn theo khiến anh xúc động. Chuyến đi ấy, anh có hơn 10 giờ băng âm thanh Cồng chiêng của toàn bộ các dân tộc chủ thể đại diện cho Tây Nguyên. Còn một thứ hơn thế mà từ trước tới nay không ai đong đếm được, đó là tình cảm. Sau này có dịp quay trở lại Tây Nguyên, đi cùng các nghệ nhân, cùng đánh Cồng chiêng với họ, hòa đồng với họ, được họ yêu quý như những người thân trong nhà và khóc mỗi lần anh đi thì anh bảo, đấy là hạnh phúc mà không phải ai cũng có được.
     “Quên” cả vợ con...

Đánh cồng thử tiếng

     Chia tay Tây Nguyên, Bùi Trọng Hiền trở ra Hà Nội đúng một ngày thì con trai anh ra đời. Anh lúc đó, hoàn toàn không có thời gian để tận hưởng cảm giác của một người vừa được làm bố. Có lẽ, thời điểm đó, cảm giác của người đứng giữa hai con đường và buộc phải lựa chọn một trong hai là gần với anh nhất. Nhưng rồi anh đành phải lựa chọn việc công vì lúc đó thời gian hoàn tất hồ sơ để trình lên UNESCO không còn nhiều. Anh buộc lòng phải gác lại tất cả để chuyên tâm cho nó.
     Chuyến điền dã của Bùi Trọng Hiền diễn ra trong một tháng nhưng việc đo thang âm và ghi tổng phổ Cồng chiêng lại “ngốn” của anh gấp bốn lần thời gian như thế. Trong thời tiết mùa hè nóng nực, mỗi ngày, anh đều dành từ 10 đến 12 tiếng chỉ để ngồi nghe băng rồi phân tích nó. Công việc này máy móc hiện đại có thể làm được nhưng Hiền đã chọn phương pháp thủ công, dùng tai để nghe.
     Đây là phương pháp mà các nước phương Tây đã áp dụng từ lâu. Phương pháp này có ưu điểm đạt độ chính xác cao nhưng lại cực kỳ mệt và mất công. Hơn nữa, Cồng chiêng là nhạc cụ có cường độ âm thanh rất lớn. Trong bốn tháng ấy, Hiền đã phải “ép” đôi tai của mình làm việc hết “công suất”. Hiền làm việc không biết ngày đêm, không biết mệt mỏi để đảm bảo hồ sơ kịp ngày lên đường. Hậu quả là sau khi công việc kết thúc, sức khỏe của anh bị ảnh hưởng nghiêm trọng: anh bị thông tai, bị đau dạ dày và sụt 9kg.
     Tinh thần anh lúc đó chưa hoàn toàn thư thái thì lại phải chịu thêm một cú sốc khiến anh càng kiệt quệ. Vợ anh, sau khi sinh xong đã bế con về bên ngoại, chấm dứt cuộc hôn nhân với một người “hâm quá nặng”! Vợ anh trước học cùng trường, sau này còn làm cùng ngành - dù hai người ở hai cơ quan khác nhau.
     Ai cũng bảo cùng ngành thì sẽ cảm thông được cho nhau, nhưng... Hiền vẫn nhất mực nhận phần lỗi về mình, vì ở hoàn cảnh của vợ anh, thật khó để chấp nhận một người chồng như vậy. Hiền bảo, mọi chuyện đã qua và anh cũng không muốn nhắc lại chuyện quá khứ. “Tất cả đã là những kỷ niệm đẹp, cuộc sống đã đi qua, nó đã sang trang mới và tôi không bao giờ muốn để những trang cũ làm ảnh hưởng đến trang mới. Hãy coi nó như là một bài học trong quá khứ để cố gắng sống tốt hơn, hoàn thiện hơn”.
     Bây giờ, anh và vợ cũ trở thành những người bạn tốt của nhau. Con trai anh giờ cũng đã gần 5 tuổi, cả hai cùng chung tay chăm sóc em bé, xem đó là niềm vui của hiện tại. Con trai sống cùng mẹ, còn anh sống cùng người mẹ già năm nay đã 86 tuổi, lại mắc chứng bệnh liệt rung. Những công việc bếp núc, sinh hoạt hằng ngày hai mẹ con lọ mọ với nhau. Khi tôi hỏi anh về việc có đi bước nữa, thì anh trả lời dứt khoát: “Có chứ! Không yêu làm sao sống được”.
     Hiền cũng không ngần ngại cho hay, mình đang có một cuộc sống mới và cả hai cũng đang cố gắng tiến tới ngày mai. Cái ngày mai ấy chưa biết là khi nào nhưng Hiền khẳng định sẽ phải khác hôm qua. Anh vẫn đeo đuổi niềm đam mê của mình nhưng chắc chắn Bùi Trọng Hiền khi đó sẽ là một người khác, một người có trách nhiệm với gia đình. Hiền bảo, mình sẽ làm mọi cách để cân bằng giữa đam mê và hạnh phúc gia đình.
     Cái ngày Cồng chiêng được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, trở thành niềm vui chung của tất cả mọi người. Hiền cũng vui dù anh biết, để có được niềm vui ấy, mình đã phải đánh đổi rất nhiều thứ. Anh vui vì đã thỏa mãn được “máu” khám phá của mình, vui vì đóng góp của mình rất hữu ích. Nhưng bên cạnh đó, vẫn có những người không chịu chia vui với anh. Họ đố kị, phủ nhận công sức của anh. Trong tình thế đó, Hiền chọn cách im lặng. Anh im lặng vì hiểu rằng, cuộc sống là phải thế. Mỗi người đều có cuộc sống riêng của mình, anh không bận lòng vì những chuyện ấy. Anh bảo, mình có đủ niềm kiêu hãnh và tự hào để nói rằng mình yêu và hiểu về Cồng chiêng hơn rất nhiều người.
     Ngoài Cồng chiêng ra, Bùi Trọng Hiền còn có rất nhiều “người tình”: cải lương Nam Bộ, chèo, ca trù, hát văn, hát quan họ… Trong đó, anh bảo cải lương Nam Bộ là “người tình” đầu tiên và được anh dành cho nhiều tâm huyết lẫn công sức nhất ngay từ những ngày bắt đầu bước vào nghề. Anh xem đây là công trình gan ruột, chỉ có điều cho đến nay vì nhiều lý do, anh vẫn chưa cho xuất bản. “Cơm chưa ăn gạo còn đó”, Hiền không ngồi lại để “gặm nhấm” thành quả mà gạt sang một bên để tiếp tục niềm đam mê của mình.
     Không làm tiến sĩ vì... thương các cụ
     Hiền là người chịu khó đi điền dã, chịu khó tiếp thu những tinh hoa của thế hệ đi trước. Đến đâu, anh cũng được họ quý như con như cháu. Nhiều người đã nhận anh là con nuôi như nghệ nhân Kim Sinh – tài tử cải lương Nam Bộ, nghệ nhân hát xẩm Hà Thị Cầu… Có chuyện anh mãi không chịu làm Tiến sỹ khiến nhiều người nghĩ anh “ngang như cua”. Hiền công nhận điều đó nhưng anh có lý do riêng của mình.
     Anh bảo, có một số nghệ nhân đã già yếu, sự sống mong manh. Anh lo sợ trong thời gian làm Tiến sỹ, sẽ không còn được gặp gỡ các cụ. Thế cho nên anh quyết định không làm Tiến sỹ, để thời gian đó gặp gỡ, tiếp thu kiến thức từ các cụ. Anh ví mình là tằm, ăn dâu – chính là những kiến thức, kinh nghiệm của các cụ truyền lại. Tằm đã ăn dâu rồi thì ắt hẳn phải nhả tơ. Anh phải làm việc để trả ơn các cụ.
     Trong những câu chuyện của mình, Bùi Trọng Hiền nhắc nhiều đến GS Trần Văn Khê. GS Trần Văn Khê là người được UNESCO chọn làm người thẩm định hồ sơ Cồng chiêng. Khi ông trở về Việt Nam, Hiền đã trình bày tất cả các công trình của mình giúp GS Khê có đầy đủ những dữ liệu để phản ánh, chứng minh cho ban giám khảo Cồng chiêng xứng đáng là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
     GS Khê nhận định: “Nghiên cứu của anh Hiền rất công phu, lại đúng theo phương pháp khoa học phương Tây. Nhờ có anh Hiền tôi mới hiểu hết những giá trị của cồng chiêng Tây Nguyên”. Với Bùi Trọng Hiền, những lời của GS Khê không đơn giản là một lời khen, mà nó còn là sức mạnh để anh vượt qua những lời “miệng lưỡi thế gian”, giúp anh có thêm niềm tin vào đam mê của mình.
     Quán cà phê về chiều càng đông khách. Hai cốc cà phê trên bàn đã cạn, cũng là lúc câu chuyện giữa tôi và Bùi Trọng Hiền kết thúc. Anh nhìn đồng hồ rồi vội vàng xin phép ra về để đi đón con. Lúc ấy chừng hơn 5 giờ. Tôi đứng nhìn anh từng bước thập thễnh đi ra quán, đôi mắt ngời ngợi trong nắng cuối chiều.
                                                                          Hồ Huy Sơn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét