Thứ Ba, 21 tháng 6, 2011

:Bùi Thị Hí - Nũ thương nhân đầu tiên của Việt Nam


Bình hoa do Bùi Thị Hí chế tác
GIÁO SƯ SỬ HỌC LÊ VĂN LAN:
    
                      "BÙI THỊ HÍ
-N THƯƠNG NHÂN ĐẦU TIÊN CA VIT NAM"
                                                BÀI: CODET, ẢNH: RONGDAT
     Hẹn hò mãi cuối cùng chúng tôi cũng gặp được giáo sư sử học Lê văn Lan trong một ngày tháng 3. Căn nhà trên gác hai của giáo sư làm chúng tôi sửng sốt bởi nó quá chật và hẹp, nó giống như một lối đi hình ống của khu phố cũ Hà Nội và được bao quanh bởi những giá sách cao chạm trần nhà.
Góc làm việc của ông chỉ vừa đủ lọt một chiếc ghế và khoảng không chỉ đủ để đặt một cuốn sách.Cuộc trò chuyện rất thú vị, ông đã cho chúng tôi biết hình ảnh một nữ thương nhân đầu tiên của Việt Nam –xuất hiện từ thế kỷ 15.
     Ông nghĩ thế nào khi xưa kia người ta hay nói về người phụ nữ dường như chỉ là: “Trên đồng cạn, dưới đồng sâu/ Chồng cày, vợ cấy, con trâu đi bừa” (Ca dao), hoặc: “Quanh năm buôn bán ở mom sông/ Một nách năm con với một chồng?” (Tú Xương) thưa ông?
     Gần đúng như vậy, chỉ trừ những nhân vật kiệt xuất đi vào lịch sử nước nhà như Hai Bà Trưng, Ỷ Lan… còn đa phần đều lầm lũi như câu thơ của Nguyễn Du: “Đau đớn thay phận đàn bà…”. Chữ “đàn bà”, đi với chữ “phận” gây nhức nhối và thương cảm. Ở đây, sự bạc mệnh cũng như một tiền định, một số phận chung nói về người phụ nữ. Tôi còn có thể nêu ra nhiều dẫn chứng khác. Chẳng hạn như người phụ nữ xưa, họ ao ước cái gì? “Trời mà bắt chết thời thôi/ Nếu còn để sống tôi sẽ no xôi chán chè”. Ước mơ chỉ là một bữa no - rất đơn giản vậy thôi. Sự chịu đựng hiếm có của người phụ nữ Việt Nam bình thường, mà phải đón nhận nó một cách “dễ chịu” và cam phận. Nó trở thành một tính cách, một thước đo của người phụ nữ Việt Nam kể cả trong tình yêu: “Cơm ăn mỗi bữa một lưng/ Nước uống cầm chừng để dạ thương anh!”. Hay “Thân em như giếng giữa làng/ Người khôn rửa mặt, người phàm rửa chân”.
     Dường như cái câu “Đàn bà thì làm được cái gì” giờ đây không còn chỗ đứng nữa thưa ông?
     Vua Lý Thánh Tông trong một lần chinh chiến thất bại, khi trở về kinh thành, nghe dân chúng ca ngợi nguyên phi Ỷ Lan đã thay ông chấp chính điều hành việc triều chính làm cho con dân no ấm, Ngài bỗng cảm thấy hổ thẹn và thốt lên rằng: Người kia là đàn bà mà làm được như vậy, huống chi ta là nam nhi!”. Đức vua đã quay trở lại và đánh tan quân giặc. Bây giờ, chúng ta ảnh hưởng văn minh phương tây, đến “chớ có đánh phụ nữ cho dù chỉ bằng một cánh hoa”, chứ đừng nói chi việc coi thường đàn bà như câu nói trên nữa”.
     Liệu ông có thế đi suốt chiều dài lịch sử để tìm được một tấm gương nữ doanh nhân nào sớm nhất của Việt Nam không?
     Tôi thấy đây là một câu hỏi hay, nhưng tôi nói trước là các bạn có thể thấy thất vọng đấy, bởi nếu tìm ra cho được một nữ Doanh nhân ở một Việt Nam thì có vẻ là hơi khó. Đất nước ta vốn là một đất nước chỉ có 3 chữ Nông: Nông thôn, nông nghiệp, nông… dân, thì lấy đâu ra một nữ… thương nhân là một điều quá khó.
     Vậy là không thể tìm ra được một nữ doanh nhân giỏi như hiện nay, thưa ông?
     Rất may mắn chúng tôi vừa tìm ra một nữ doanh nhân Việt Nam ở thế kỷ 15. Điều này có vẻ là một điều đột biến. Quá trình tìm ra bà rất công phu, vất vả. Có lẽ, yếu tố may mắn phải được tính đến trong trường hợp này.
     Điều may mắn đó bắt nguồn từ đâu, thưa ông?
     Nó bắt nguồn từ một cổ vật – vốn là một chiếc bình gốm được xác định là gốm Chu Đậu tại Bảo tàng Istanbul Thổ Nhĩ Kỳ. Trên chiếc bình có hàng chữ đề rõ: “Nam Sách Châu – Tượng Nhân Bùi Thị Hí Bút”. Điều rắc rối đã đến. Có rất nhiều tranh luận trong cách hiểu dòng chữ trên. “Nam Sách Châu” thì đã rõ, nó có nghĩa là “Châu Nam Sách, vùng đất Nam Sách”. “Tượng Nhân”, có nghĩa là người thợ làm ra sản phẩm này. Riêng “Bùi Thị Hí Bút”, có cách hiểu như sau: “Người phụ nữ họ Bùi viết chơi” hoặc “Người phụ nữ họ Bùi, tên Hí, đệm Thị, viết”.
     Những tài liệu này được chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cung cấp đúng không thưa ông?
     Vâng, họ đã gửi cho chúng ta từ những năm 50 của thế kỷ 20. Sau các cuộc tranh luận thì những tài liệu này vẫn cứ để ở trong Viện nghiên cứu. Cho đến tận thế kỷ 21 này, chúng tôi mới tìm thêm được nhiều chứng tích để minh chứng bà là ai.
     Vậy kết quả có đúng bà là một nữ thương nhân đầu tiên của Việt Nam không thưa ông?
     Kết quả thật tuyệt vời. Chúng tôi đã tìm thấy trên vùng đất Chu Đậu những cổ vật mang những dòng chữ liên quan đến nữ thương nhân đầu tiên của Việt Nam. Điều may mắn là những dòng chữ này hoàn toàn rõ ràng chứ không mang tính hai mặt như dòng chữ trên chiếc bình gốm Chu Đậu tại bảo tàng Istanbul Thổ Nhĩ Kỳ nữa. Sau khi kiểm chứng, có những cổ vật mang chữ “Bùi Thị Hí Tạo”. Vậy có nghĩa là “Người phụ nữ họ Bùi, tên Hí, đệm Thị đã tạo ra những vật này”. Tại các vùng mộ địa, có bia mộ bà Bùi Thị Hí do người chồng thứ hai của bà lập ra. Có nghĩa bà Hí đã có một đời chồng, sau khi người chồng đầu tiên mất, để lại cơ nghiệp cho bà, bà đã tạo lập nên các xưởng gốm, lò gốm và các sản phẩm gốm Chu Đậu gần như đầu tiên của làng. Sau đó, bà Hí lấy người chồng thứ hai và mất trước ông chồng thứ 2. Người chồng này đã lập bia mộ khắc rõ tiểu sử sự nghiệp của người đàn bà tài giỏi. Đọc kỹ bia mộ, chúng tôi thấy rằng, bà còn là cháu nội của Công thần Lam Sơn khởi nghĩa Bùi Quốc Hưng.
     Như vậy nữ thương gia đầu tiên của Việt Nam đã xuất hiện từ thế kỷ 15 và bà còn là con cháu dòng dõi Công thần, nhưng điều gì đã chứng tỏ sản phẩm gốm của bà đã vươn tới tận Thổ Nhĩ Kỳ chứ không phải do nó qua tay các nhà… buôn cổ vật?
     Điều quan trọng hơn cả, để chứng tỏ bà là một nữ thương gia, trước hết là việc bà làm việc với tư cách là một người thợ, sau đó là chủ lò gốm, chủ thương đoàn dùng thuyền mang hàng hóa sản phẩm ra nước ngoài. Chính vì thế ta mới thấy xuất hiện sản phẩm Gốm tại Istanbul tại Thổ Nhĩ Kỳ. Người ta thường hay gọi các thương đoàn đó là hải đoàn chuyên xuất khẩu hàng hóa. Sầm uất nhất vẫn là các hải cảng Vân Đồn hoặc trong Hội An.
     Ngoài ra có chi tiết gì lý thú quanh cuộc đời người nữ thương nhân thế kỷ 15 Bùi Thị Hí nữa không thưa ông?
     Có một tấm bia tại một ngôi chùa làng Chu Đậu ghi rõ ngôi chùa do bà Bùi Thị Hí bỏ công đức ra xây chùa. Điều này đã nêu lên được phẩm chất của người nữ nhân này. Bà thường xuyên xây chùa và các công trình phúc lợi cho vùng Chu Đậu. Tôi thấy rằng, trong 30 năm ta mới phát hiện và khẳng định được sự nghiệp lớn của một người đàn bà Việt Nam kinh doanh giỏi lại có tài năng, sự nghiệp lớn và tâm hồn lớn. Càng thấy đặc biệt hơn nữa, đây là trường hợp nữ doanh nhân duy nhất đã tìm thấy trên một đất nước chỉ gắn với 3 chữ nông.
     Với tư cách là một giáo sư sử học, ông có nhận xét gì về các nữ doanh nhân hiện nay?
Cả nghìn năm, ta mới có một nữ doanh nhân Bùi Thị Hí, đến giờ có lẽ đã có hàng ngàn nữ doanh nhân. Đây quả là một sự đột biến chăng? Nó bao hàm cả việc đời sống giới nữ nói chung đã có chuyển biến tiến bộ thế nào trong lịch sử và truyền thống. Tuy nhiên, tôi luôn lo ngại đến một sự đứt gãy truyền thống.
     Có sự kết nối, kế thừa truyền thống, vậy sự đứt gãy truyền thống ở người phụ nữ là gì thưa ông?
     Cố Tổng bí thư Lê Duẩn đã nói: “Người đàn bà Việt Nam là người có tính dân tộc hơn ai hết”. Điều này hoàn toàn dễ chứng minh. Xin hãy lui về thời của Hai Bà Trưng, không bàn đến chủ nghĩa anh hùng của Hai Bà Trưng, mà hãy xét theo yếu tố sức mạnh của người phụ nữ Việt Nam. Sau khi khởi nghĩa của Hai Bà Trưng thất bại, Mã Viện đã chặt đầu Hai Bà Trưng dâng sang Hán để lập công. Mã Viện còn làm điều khủng khiếp đó là tàn sát tù đày những người đàn ông Giao Chỉ. Khi chúng rút quân về nước để lại những người đàn ông được gọi là “Mã Lưu Nhân”. Lúc này dân số Giao Chỉ theo kết cấu: Chồng người Hán, vợ người Việt. Cuộc hôn nhân này sinh ra những đứa trẻ gốc Hoa. Từ cuộc chiến tranh trên bình diện kẻ thống trị và nước thuộc địa trở thành cuộc chiến tranh gia đình. Tỷ lệ những đứa trẻ Hán tăng lên, 50% con cái dòng máu Hán, 50% dòng máu Việt. Nhưng điều kỳ diệu, đó là những người mẹ Việt thường rất “Hám con”. Tôi xin sử dụng từ “Hám”, họ quên mình vì con cái, chính họ, những người đàn bà Việt, đã giữ được tâm hồn Việt cho con cái mình, qua lời ru tiếng hát, qua những câu chuyện kể và dòng sữa Việt. Ngày nay thì sao? Những người phụ nữ thường không còn phải có cách sống vì mọi người nữa, mà mình phải thương mình trên hết. Một số người mẹ phải mua sữa ngoại cho dù đắt bao nhiêu đi nữa, để con không phải bú làm hỏng bộ ngực của họ. Tôi xin phép không dẫn chứng nhiều ra nữa. Tôi chỉ muốn nhắc nhở rằng, nó làm cho người phụ nữ Việt đứt gãy truyền thống.
     Nữ doanh nghiệp bây giờ thì sao? Tôi rất thông cảm với họ do nhiều sức ép nếu không tìm được sự cảm thông trong gia đình hoặc biết điều hòa giữa công việc xã hội và gia đình thì khó có thể tìm thấy hạnh phúc. Họ dường như ít lo lắng cho dân tộc, tiêu chí đầu tiên, là phải kiếm tiền, hưởng thụ, những ngày nghỉ ít khi ở nhà chăm sóc cho người già, nói chuyện với những người trong gia đình… đấy là điều đứt gãy truyền thống.
     Vậy ông muốn nhắn nhủ điều gì tới các nữ doanh nhân Việt Nam?
     Tôi thấy đáng tiếc cho cuộc thi và những người dự thi Hoa hậu quý bà thành đạt. Theo tiêu chí ban tổ chức đề ra thì những người dự thi phải là người thành đạt, xinh đẹp lại tài năng, nhưng chỉ vì một danh hiệu phù phiếm mà người ta tố giác nhau, nói nhau một cách thậm tệ, mà những người đó lại được xưng là nữ doanh nhân thành đạt cơ đấy. Tôi chỉ xin các chị các em, các bà hãy dành một chút lương tri cho dân tộc này. Có thể tôi bi quan, những đây là ý nghĩ không hề đơn độc của tôi.
     Nếu được lựa chọn, ông sẽ lựa chọn người đàn bà như thế nào thưa giáo sư?
     Người đàn bà của tôi sẽ không ăn mặc áo “ra 7, vào 3”, đặc biệt, tôi không chọn người phụ nữ có tham vọng!
     - Xin cảm ơn giáo sư.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét