Thứ Tư, 29 tháng 6, 2011

GS BÙI VĂN CÁC

GS BÙI VĂN CÁC-
Nhà trí thức lớn giàu lòng yêu nước.
Một chuyên gia tổng hợp lỗi lạc

     GS Bùi Văn Các không chỉ là một chuyên gia lớn về xây dựng , mà còn là một tổng hợp gia (generalist) trên nhiều lĩnh vực và phương diện. Ở chừng mực nào đó, nhiều người cảm nhận Anh như Một pho Bách khoa Toàn thư sống động và đa dạng, lại tập trung, hướng đích.
      NHÀ TRÍ THỨC GIÀU LÒNG YÊU NƯỚC
     GS Bùi Văn Các sinh ra tại thành phố Nam Định năm Mậu Ngọ (9-1-1919) là một năm với chu kỳ hoạt động mạnh của mặt trời, nên có tư chất thông minh, dĩnh ngộ, nghe một biết mười.
     Ông nội Anh là một bậc thâm nho, khi Anh bắt đầu học lớp Đồng ấu, cụ đã dạy thêm cho Anh chữ Hán, qua cuốn “Tân Thư” do một cụ đồ xứ Nghệ soạn, trong đó Anh nhớ nhất ý nghĩa câu: “phụ xà giảo gia kê” (cõng rắn cắn gà nhà) nói về việc nhà Nguyễn đã rước quân Pháp vào xâm chiếm nước ta, biến nước ta thành thuộc địa.
     Ý chí chống thực dân Pháp của Anh bắt đầu được nhen nhóm, khơi nguồn từ đó.
     Khi anh tổt nghiệp kỹ sư công chính với hạng “ưu”, chính quyền thực dân Pháp cử Anh sang làm việc tại Lào; mà hồi đó đưa sang Lào là một kiểu đưa đi “biệt xứ”, nhưng với phong thái, tài đức của Anh, nhiều đồng nghiệp Lào và cộng sự Lào kính mến, cảm phục Anh.
     Làm việc tại Lào được gần một năm, nghe tin nước nhà chuẩn bị Tổng khởi nghĩa, Anh tức tốc theo đường 9 về nước, kịp thời tham gia Cách mạng Tháng Tám tại Đà Nẵng. Anh được cử làm Phó Chủ tịch và sau đó là Chủ tịch Uỷ ban Kháng chiến Hành chính Thành phố Đà Nẵng. Mới 27 tuổi, ở cương vị đứng đầu một thành phố lớn, trong buổi sơ khai của cách mạng, mặc dầu chưa qua một khoá huấn luyện chính trị nào và chưa có kinh nghiệm nhiều về hoạt động cách mạng, Anh đã củng cố sự đoàn kết nhất trí trong nội bộ cán bộ chủ chốt của địa phương, vận dụng kiến thức chuyên môn về “xây dựng hạ tầng cơ sở” để tạo nền tảng vững vàng cho Đà Nẵng vể tổ chức lực lượng quân sự, hành chính và đoàn thể cách mạng.
      Toàn quốc kháng chiến bùng nổ (19-12-1946), Anh được Chính phủ điều động ra Nghệ An làm Giám đốc Nhà máy Xe lửa Trường Thi (Vinh) lúc đó chuyển thành Nhà máy chế tạo và sửa chữa vũ khí đạn dược phục vụ chiến đấu trong hệ thống ngành quân giới Bộ Quốc phòng. Đây là lần thứ hai, gần hai năm hoạt động cách mạng. Anh phải chuyển làn: từ một cán bộ chính trị có chuyên môn về xây dựng hạ tầng cơ sở, Anh phải nhanh chóng thích nghi với ngành nghề mới về kỹ thuật vũ khí. Anh đã thực hiện tốt cả hai nhiệm vụ: vừa tổ chức quản lý đội ngũ công nhân, bố trí lại các dây chuyền sản xuất của đơn vị cho phù hợp với yêu cầu mới, vừa khẩn trương tranh thủ học tập, tham khảo, nghiên cứu các tài liệu chuyên môn chế tạo vũ khí của Pháp, Anh, Mỹ…
     Và kết quả là nhà máy xe lửa Trường Thi - trở thành Công binh xưởng của Liên khu 4 - đã đảm bảo cung cấp và sửa chữa vũ khí, đạn dược cho chiến trường Bình Trị Thiên trong giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến thần thánh chống Pháp.
     Chính trong thời kỳ này, năm 1947, Anh đã có vinh dự được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, đứng trong hàng ngũ tiền phong cách mạng của Việt Nam ngay giữa giai đoạn nước sôi lửa bỏng của cuộc kháng chiến.
     Sau chiến dịch thu đông 1947 của quân Pháp tấn công lên Việt Bắc bị thất bại, Chính phủ và Bộ Tổng Tư lệnh chủ trương: song song với việc tăng cường xây dựng quân chủ lực, phải rất quan tâm đảm bảo hậu cần, đảm bảo giao thông cho các trận đánh lớn và về lâu dài, chuẩn bị cho sự nghiệp xây dựng giao thông cả nước. Chính vì mục tiêu thứ hai này, Anh Bùi Văn Các được điều động từ khu 4 ra Việt Bắc, phụ trách Giám đốc Nha Giao thông. Lần này nhiều nhân sỹ trí thức là bạn bè kháng chiến hồi đó, nói đùa với nhau về Anh: “II est maintenant bien dans son assiette” (Cậu ta bây giờ được ổn định trong nghề nghiệp chính của mình).
     Giờ đây, đối với Anh, tính chất và nội dung công việc thì tương đối ổn định, tức là điều tra khảo sát thực trạng của các tuyến đường, cầu, sông, suối, suy nghĩ nghiên cứu kế hoạch và biện pháp phục vụ chiến đấu, phục vụ vận tải lương thực; nhưng điều kiện làm việc và thực hiện thi công thì không đơn giản chút nào trong hoàn cảnh không có xi măng, sắt thép, phương tiện máy móc, mà phải phát huy cao độ và cải tiến các phương pháp thủ công, sử dụng vật liệu thô sơ, tại chỗ…
     Có lần đi kiểm tra tới một cung đường uốn khúc góc nhọn, anh em cán bộ kỹ thuật và công nhân đang phải bó tay hàng tuần lễ qua trước những khối lớn đá vôi không thể nào phá hoặc đẩy đi được vì thiếu thuốc nổ. Anh đã hướng dẫn cho mọi người tập trung gỗ, củi khô xếp chung quanh và lên trên các khối đá để đốt; cuối cùng đá vôi (CaCO3) đã biến thành vôi cục chưa tôi (CaO) chỉ cần đập nhẹ là tan ra hết. Ai cũng xuýt xoa tấm tắc: “Thánh thật !” Anh cười khiêm tốn: “Có gì đâu, nếu nó là granit hay quartzit thì chịu, còn đây là đá vôi. Ai đã từng nung vôi, đều có thể giải quyết được, đơn giản thôi mà!”.
     Vì anh là con người “đa năng”, ngoài tiếng Pháp là một ngôn ngữ được đào tạo từ trường Pháp, Anh còn giỏi tiếng Anh, nên năm 1949 Trung ương Đảng và Bộ Tổng Tư lệnh đã giao nhiệm vụ đi xuyên qua Lào sang Thái Lan mua vũ khí cho quân đội.
     Cùng đoàn có cán bộ quân giới của Bộ Quốc phòng, và cả anh Nguyễn Như Kim đi tìm mua các thiết bị truyền thanh cho Đài Tiếng nói Việt Nam. Sang Bangkok, anh đã liên hệ với tổ chức Việt Kiều yêu nước ở Thái Lan trong điều kiện lúc đó chính phủ Thái Lan, do Pháp can thiệp, đã trục xuất các Việt Kiều ở thủ đô Bangkok phải đến cư trú ở các tỉnh khác. Mặc dù vậy, qua cơ sở Việt Kiều ở Thái Lan, Anh vẫn tiếp xúc được với các giới quân sự địa phương để hoàn thành sứ mạng của đoàn một cách xuất sắc.
     Năm 1950, Đảng Cộng sản Pháp cử Léo Figuères, một Uỷ viên Trung ương, sang Việt Nam nghiên cứu tình hình tại chỗ và trao đổi với Ban Chấp hành Trung ương Đảng ta về những gì mà Đảng Cộng sản Pháp có thể và cần phải làm để ủng hộ một cách hữu hiệu công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của Việt Nam. Hồ Chủ tịch và Trung ương Đảng cử phái đoàn sang Bangkok đón Léo Figuères về Việt Bắc, gồm hai đồng chí: Bùi Công Trừng và Bùi Văn Các, là những cán bộ có đủ tầm cỡ và trình độ chính trị, lại thông thạo tiếng Pháp. Sau đó, khi Léo Figuères về nước, đồng chí Trường Chinh, Tổng Bí thư đã phát biểu nhận xét của mình về Anh Các cô đọng trong một câu: “II est politiquement bien muri” tạm dịch là “Đồng chí ấy rất chín chắn, trưởng thành về chính trị”.
     Trong những năm từ 1951 đến 1954, với cương vị là Giám đốc Nha Giao thông, Anh đã đóng góp phần đáng kể vào thắng lợi của các chiến dịch Trung Du, Đường 18, Hà Nam - Ninh Bình, Hoà Bình, Tây Bắc, Thượng Lào và Điện Biên Phủ.
     Sau hiệp định Genève, về thủ đô Hà Nội, Anh tiếp tục làm việc ở Bộ Giao thông (Tổng cục trưởng), ở Uỷ ban kế hoạch Nhà nước (Uỷ viên Uỷ ban, Tổng Cục trưởng Tổng Cục Kiến thiết Cơ bản), ở Uỷ ban Kiến thiết Cơ bản Nhà nước (Uỷ viên Uỷ ban) và Bộ Xây dựng (Thứ trưởng đặc trách Khoa học và Kỹ thuật).
     MỘT CHUYÊN GIA TỔNG HỢP LỖI LẠC
     Anh không chỉ là một chuyên gia lớn về xây dựng , mà còn là một tổng hợp gia (generalist) trên nhiều lĩnh vực và phương diện.
     Đọc nhiều, đọc nhanh, biết rộng và hiểu sâu, Anh không hề là một người mọt sách: tư duy, lời nói và hành động của Anh luôn luôn gắn chặt và bám trụ với thực tế của Việt Nam, luôn luôn đứng trên mảnh đất quê hương có cả 3 vùng Bắc - Trung - Nam, với miền xuôi, miền ngược. Chuyên môn gốc của Anh là xây dựng, nhưng Anh không xa lạ gì với những vấn đề kỹ thuật và kinh tế của các ngành cơ khí - luyện kim - hoá chất - công nghiệp nhẹ, thậm chí cả nông nghiệp, lâm nghiệp, khoáng sản…
     Ở chừng mực nào đó, nhiều người cảm nhận Anh như Một pho Bách khoa Toàn thư sống động và đa dạng, lại tập trung, hướng đích.
     Những năm 60 của thế kỷ trước, khi vận động thuyết phục mọi cấp, mọi người giác ngộ và nhất trí về chủ trương xây dựng các khu nhà tập thể bằng phương pháp lắp ghép công nghiệp hoá thay thế cho việc xây dựng bằng từng viên gạch. Anh đưa ra hình ảnh; “Một ông thợ may, đo kích thước quần áo cho từng người, rồi dùng kéo cắt vải theo đường vạch, sau đó tỷ mẩn khâu lại bằng tay, so sánh với việc nghiên cứu một số môđul về kích thước người lớn, trẻ con, đàn ông, đàn bà và thiết kế một số mẫu phù hợp với “gu” của từng loại đối tượng, rồi đưa vào dây chuyền sản xuất hàng loạt, giá thành rẻ hơn, chất lượng cao hơn, sản phẩm nhiều hơn hàng triệu lần, và làm ra nhanh hơn hàng chục triệu lần, thì ta nên chọn cách nào ?”
     Ai nấy đều vỗ tay tán thành và thán phục anh đã bắn một viên đạn trúng hai mục tiêu, một mục tiêu cơ bản ích nước lợi dân, một thứ yếu là một số người lúc ấy đang ở ngành xây dựng dân dụng vẫn còn khăng khăng chủ trương xây nhà bằng gạch theo phương pháp truyền thống, ăn chắc mặc bền…
     Trong thời gian chống chiến tranh phá hoại bằng không quân của Mỹ ở miền Bắc, Anh đã dày công miệt mài nghiên cứu những kinh nghiệm nguỵ trang công trình của Triều Tiên - nhà cửa, công xưởng, cầu đường…(do Mỹ tổng kết thành tài liệu mật của Lầu Năm góc), để vận dụng trong việc đề ra những biện pháp nguỵ trang có hiệu quả cho các công trình sản xuất và giao thông của Việt Nam. Trong những hội nghị khoa học chuyên đề loại này tổ chức ở nơi sơ tán, Anh đã hướng dẫn tỷ mỷ và cụ thể cho cán bộ các Uỷ ban XDCB, các Ty Kiến trúc, Giao thông, Thuỷ lợi về những biện pháp nguỵ trang công trình để thực hiên ở địa phương mình.
     Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, hưởng ứng lời kêu gọi của Trung ương Đảng về thiết kế Lăng Chủ tịch, Anh đã phác thảo và thiết kế công trình Lăng với tất cả tâm huyết, nhiệt tình và tinh thần sáng tạo. Tư tưởng chủ đạo của anh trong thiết kế là tính dân tộc, hiện đại, là sự toả sáng, gần gũi nhân dân và bình dị khiêm tốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là sự kế thừa và phát huy, nâng cao phong cách kiến trúc Khuê Văn Các.
     Riêng tôi đánh giá rất cao bản thiết kế của kiến trúc sư Nguyễn Văn Ninh, người đã thiết kế ngôi nhà sàn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước đây. Nếu như hồi đó hội đồng tuyển chọn tổ chức một cuộc trưng cầu ý kiến của đông đảo chuyên gia có hiểu biết, thì có thể hai bản của tác giả Bùi Văn Các - Nguyễn Văn Ninh đáp ứng được yêu cầu nguyện vọng của quần chúng hơn là bản thiết kế đã được chọn có dáng dấp lênh khênh không hài hoà với cảnh quan, theo kiểu cổ Hy Lạp, La Mã, Ai Cập, vừa xa vời vừa không hợp với phong cách dân tộc và thẩm mỹ kiến trúc Việt Nam, vừa không như ý nguyện của Bác Hồ luôn luôn hoà mình, gắn bó chặt chẽ với nhân dân, đất nước, là điều không ai dám phủ nhận, và lẽ ra không được làm ngược lại.
     Giải phóng miền Nam, giang sơn thống nhất Anh có dịp đi công tác vào nửa phần đất nước phía trong. Từ lâu, anh đã có thói quen trước khi đi công tác ra một nước ngoài là phải tìm hiểu sâu về đất nước, về lịch sử, kinh tế, xã hội và chính trị của nước đó.
     Lần này, đi vào Nam, Anh đã chuẩn bị và nghiên cứu từ hơn bảy năm về trước các tài liệu liên quan đến xây dựng và kế hoạch kinh tế hậu chiến của Mỹ - Nguỵ, thông qua việc thành lập một tổ chức chuyên gia trong bộ phận tổng hợp của Uỷ ban Kiến thiết Cơ bản Nhà nước để sưu tầm, hệ thống hoá, cập nhật toàn bộ tình hình xây dựng kinh tế ở miền Nam (cả hiện trạng và viễn cảnh). Anh đã đọc kỹ mọi báo cáo và tài liệu của tổ chuyên gia, đặc biệt là công trình dự báo chiến lược của Hãng Tư vấn Mỹ “Resources consulting corporation” do David Lilienthal chủ biên.
     Cho nên hồi đó, khác hẳn với một số cán bộ cao cấp và chuyên gia của các ngành khác từ Hà Nội vào, khi đến các cơ quan, tổ chức kinh tế hoặc cơ sở sản xuất miền Nam phải nghe báo cáo tình hình của đơn vị rất tốn thời gian, Anh đã tập trung đi thẳng vào những vấn đề cụ thể, những khó khăn vướng mắc hiện nay, sau giải phóng, để gợi ý cách giải quyết. Cán bộ trong Nam, từ Thừa Thiên - Huế trở vào đến Bạc Liêu, Rạch Giá, Cần Thơ,…đều rất ngạc nhiên bảo nhau: “Ổng nắm vững tình hình ở đây còn hơn tụi mình, kỳ thiệt !
     Một số chuyên gia cao cấp và nổi tiếng về kiến trúc, xây dựng như Ngô Viết Thụ, Nguyễn Quang Nhạc, …từ thời Mỹ - Nguỵ còn ở lại, khi tiếp xúc với Anh đều trầm trồ kính nể một chuyên gia hàng đầu, một “guru” về kinh tế, khoa học kỹ thuật xây dựng của cách mạng đã hoàn toàn chinh phục họ. Họ nói: “Việt cộng có những người giỏi về quân sự lại có tướng tài về khoa học kiến trúc và xây dựng như ông Các, hèn nào !”
     Anh đã đứng ra vận động thành lập Hội Khoa học Kỹ thuật Xây dựng Việt Nam với tư cách là Trưởng ban trù bị từ 1965 và cho đến 1982 Hội chính thức ra đời. Hội là một tổ chức nghề nghiệp đa ngành tập hợp các chuyên gia - hiểu theo nghĩa rộng - làm việc trong các lĩnh vực xây dựng, là một diến đàn cho các thành viên có cơ hội đóng góp vào soạn thảo các chính sách về xây dựng với tư cách tham mưu, tư vấn và phản biện xã hội.
     Thực tế 20 năm hoạt động vừa qua của Hội Khoa học Kỹ thhuật Xây dựng đã khẳng định vai trò quan trọng của tổ chức nghề nghiệp này mà Anh là người sáng lập.
     Một nét rất tiêu biểu của Ạnh là tinh thần say sưa, cần cù học tập trong sách báo, tài liệu, qua thực tế trong nước và trên thế giới, nắm bắt những cái mới trong nghề xây dựng để phổ biến và vận dụng. Anh đọc nhanh và nhiều. Bao nhiêu sách báo ở Thư viện Khoa học Trung ương về kiến trúc xây dựng, cũng như tất cả các loại sách báo ở Thư viện của Trung tâm Thông tin Uỷ ban Kiến thiết Cơ bản, Trung tâm Thông tin Bộ Xây dựng, Anh đều đọc qua hết, và còn giới thiệu cho các cán bộ trong ngành những cuốn nào cần phải đọc, những vấn đề gì cần quan tâm.
     Chính với khả năng và thói quen đọc nhiều, mà trong khi dự một số hội nghị do cấp trên chủ trì. Anh vẫn vừa nghe phát biểu của mọi người, vừa đọc sách - khiến một số nào đó hiểu lầm, cho là Anh coi thuờng cả cấp trên, mặc dù Anh vẫn không bỏ sót một ý kiến nào trong cuộc họp.
     Cuối năm 1970 khi chữa bệnh ở CHDC Đức, Anh đã tranh thủ trong vòng 3 tháng học thêm được tiếng Đức và cuối năm 1985, trước khi lâm chung Anh viết xong cuốn “Nghề xây dựng ở Pháp” đồng thời phác thảo kết cấu và nội dung chính tác phẩm: “Xây dựng công nghiệp và công nghiệp xây dựng ở Việt Nam”. Phác thảo này còn đang dở. Hai ngày  trước khi vĩnh biệt gia đình và đồng nghiệp, Anh còn kịp dặn lại tôi, qua mấy câu nói ngắt quãng:
     - “FIDIC, FIDIC, cậu biết chứ?”
     Tôi cúi sát Anh:
     - “Vâng, tôi biết ! Tài liệu đấu thầu quốc tế !”
     Anh nói tiếp, hơi thở đã dồn dập:
     -“Mình rất tiếc… chưa phổ biến FIDIC ở Việt nam …Cậu cố gắng làm viẹc đó…thay mình…Được vậy …Mình đi cũng yên tâm.”
     Tôi lập cập:
     - “Vâng tôi xin hứa với Anh nhất định sẽ làm được !”
     Mắt Anh sáng lên, chìa bàn tay cho tôi nắm lần cuối.
                                                                               Lê Quang Huy

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét