Thứ Tư, 8 tháng 6, 2011

ĐÔI ĐIỀU SUY NGHĨ VỀ PHÁT TRIỂN DÒNG HỌ

ĐÔI ĐIỀU SUY NGHĨ VỀ PHÁT TRIỂN DÒNG HỌ
                                                                                                                                    BÙI XUÂN VỊNH
     Dòng họ là bộ phận của cộng đồng dân tộc, gần tới cội nguồn của đất nước. Các dòng họ phát triển là cơ sở cho đất nước phồn thịnh. Văn hoá dòng họ, bộ phận của văn hoá làng xã, đặc trưng quan trọng của văn hoá Việt Nam. Làng xã, văn hoá làng xã Việt Nam, có thể coi là pháo đài, là điểm tựa khó bắn phá, làm cho dân tộc Việt không bị đồng hoá suốt hàng nghìn năm Bắc thuộc. Văn hoá (tuy thuộc phạm trù ý thức) Việt Nam có sức mạnh “vật chất” vô biên, đặc biệt giữa sinh tồn, tử tận. Khi lý giải nguyên nhân thắng lợi của Việt Nam ta sau hoà bình thống nhất năm 1975, tướng Giáp đã khẳng định: nền văn hoá hàng nghìn năm của Việt Nam đã đánh thắng nền văn hoá mấy trăm năm của Mỹ, mặc dù sức mạnh vật chất của ta không đáng phần nghìn, phần vạn sức mạnh vật chất của Mỹ. Nhưng cũng đáng băn khoăn nhiều thập kỷ nay, văn hoá Việt Nam chưa được đầu tư-phát triển thoả đáng nhiều mặt.
     Chưa có tài liệu nào lý giải tại sao vấn đề dòng họ bị lãng quên hàng trăm năm, làm cho khá nhiều họ không có gia phả, nhà thờ bị chia nhỏ, ít có nhà thờ xứng tầm, mộ tổ bị thất lạc, giỗ tổ bị bỏ qua…mà ít ai nhắc đến. Phải chăng từ sau Pháp thuộc, tiếp cận với nền văn hoá công nghiệp phương tây đã làm cho văn hoá làng xã (văn hoá nông nghiệp) của ta bị mai một. May mà cố kết làng xã, có gốc gác từ cố kết gia đình, huyết tộc không bị phá vỡ.
     Cũng có thời gian ở nông thôn ta vấn đề họ hàng gây nên tình trạng cục bộ, bè phái mất đoàn kết cả từ trong Đảng, Chính quyền, ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của địa phương. Đến nay vấn đề như chìm lắng, do ảnh hưởng không còn đáng kể. Gần đây, trong nền kinh tế thị trường, nhiều gia đình, dòng họ làm ăn phát đạt, cũng không phải không có ý kiến: Vấn đề dòng họ bây giờ không quan trọng lắm. Nhưng có khảo sát gần đây cho thấy ngay như ở làng Đồng Kỵ (một làng quê mà nhà cửa đường sá có những phố lớn nội thành Hà Nội khó sánh), không ít gia đình vẫn tồn tại 3, 4 thế hệ chung sống trong một nhà, một cụm nhà, nhiều gia đình lớn vẫn giữ nề nếp có một bữa ăn chung hàng tháng, có khi hàng tuần, rồi chúc thọ, mừng sinh nhật, mừng tuổi, thưởng học tập, lao động, thăm viếng bà con, họ hàng, chia sẻ buồn vui trong họ hàng, nghĩa là họ vẫn giữ được và vẫn muốn bảo lưu nét đẹp văn hoá gia đình, dòng họ, chứ không phải ai cũng mải lo công việc làm ăn thường nhật mà lãng quên hết truyền thống.
     Gần đây, khi thảo luận Dự thảo báo cáo chính trị Đại hội đảng XI, GS Hà Đình Đức, Đại học quốc gia Hà Nội đã đề nghị bổ sung nội dung văn hoá gia đình, dòng họ vào phần Văn hoá mục IX với cách lý giải thấu đáo rất đáng để Đại hội Đảng toàn quốc ghi nhận.
     Việt Nam ta, thờ cúng tổ tiên như là một quốc đạo. Đã cùng một tôn giáo thì chung nhau cách hành lễ, chung nhau quan niệm về cái thiêng, giống nhau cách quan hệ với người đã khuất.
     (Về mối quan hệ giữa người sống và người chết đã có quá nhiều sự kiện, nhiều báo chí, từng nhiều năm đưa ra lúc này, lúc kia, thu hút không ít người theo dõi. Nhưng lý giải một cách cặn kẽ có sức thuyết thì đó còn là một đề tài khoa học lớn. Tuy nhiên, thực vật, động vật, rồi con người ..tất cả đều sinh ra từ “cát bụi”, nghĩa là con người cũng gồm tỷ tỷ.. tế bào là những phân tử hữu cơ có thông tin di truyền ADN. Bởi vậy, những người có cùng gốc AND - con cái - cha mẹ - ông bà - cụ kỵ -…tổ tiên tất thường xuyên “thông tin” cho nhau. Khi còn sống, “thông tin” truyền nhận theo kiểu người đang sống. Người sống, tại khoảnh khác nào đó, hoặc khi khấn vái - tập trung thông tin, thì các sóng thông tin thu – phát sẽ giao thoa, cộng hưởng và nhờ đó nhận biết được thông tin phát ra từ AND người chết. Còn thông tin giữa các phân tử - tạo nên vật chất sống thì khoa học Lý thuyết thông tin đã chứng minh, “có vật chất, ắt có thông tin”, cũng như có vật chất, tất có năng lượng vậy, nghĩa là năng lượng cũng như thông tin đều là thuộc tính của vật chất. Giữ đều đặn quan hệ với người “thế giới bên kia”, giữ tốt vật chất-hài cốt của người đã khuất, tất sẽ có ngày người sống nhận được thông tin đồng pha, cộng hưởng từ “thế giới bên kia” làm cho năng lượng sống sẽ dồi dào. Giữ đều đặn, hoặc chăm chỉ quan hệ với người đã khuất, trước hết cùng huyết thống, ắt có ngày được tận hưởng phúc-lộc).
     Không có gia đình nào là không có bàn thờ gia tiên, và đều thắp hương khấn vái tổ tiên vào những ngày giỗ chạp, lễ kỵ trong gia đình, cũng là nét đẹp văn hoá Việt Nam. Nhưng tổ tiên gia đình nào mà không có xuất xứ từ ông tổ họ. Như vậy, gia đình và dòng họ có mối quan hệ khăng khít gắn bó. Nhưng gia đình trong xã hội thì nhà nước ta đã hết sức coi trọng và được xem là tế bào cơ bản. Bởi vậy, gia đình đã được đặt dưới góc độ có cơ quan quản lý nhà nước (Uỷ ban Dân số và gia đình, trước đây là cơ quan ngang Bộ), mặc dù vẫn nghiêng về phía dân số.
     Xem ra phát triển dòng họ chính là phát triển cộng đồng dân tộc, có tác động không nhỏ đến gia đình, và đương nhiên tác động tích cực đến xã hội. Xem xét dưới góc độ khác về họ, mỗi con người không chỉ mang họ bố, mà phải có cả họ mẹ, bố phải mang cả họ bà nội, mẹ phải mang cả họ bà ngoại..; Mỗi con người mang 2, 4, 6, 8,…., n chẵn họ, và có quan hệ bà con với bằng ấy họ. Như vậy, phát triển văn hoá dòng họ chính là phát triển đại đoàn kết dân tộc bởi vì toàn dân tộc có quan hệ bà con họ hàng gắn bó khá rộng rãi. Vấn đề này (phát triển dòng họ) chưa được đặt ra trong sự phát triển của dân tộc, trong sự phát triển của đất nước.
     Họ Bùi ta trong trăm họ Việt Nam, chẳng kém cỏi gì nhiều mặt các họ khác trong lịch sử đất nước, chỉ trừ làm vua-chúa, vì tính trung thực, thẳng thắn, nhân đức, không cơ hội, tham vọng chính trị, bởi vì “một lời nói thực cay đắng hơn hẳn ngàn vạn lời nói dối ngọt ngào” chưa thành nhận thức chủ đạo đối với người có trách nhiệm hàng trăm năm cho đến tận bây giờ mà lẽ ra, điều đó phải trở thành nhận thức của xã hội. Điều đó làm cho họ Bùi ta đáng tự hào đi lên.
     Họ Bùi ta, đã chọn đích phát triển trong tiêu chí 6 chữ. Để phát triển dòng họ, quá nhiều việc phải làm, nhiều kế sách cần được dâng hiến, nhiều việc cần người làm. Mọi người chúng ta, đặc biệt người có tuổi, người cao tuổi, luôn nghĩ rằng cần để lại gì cho đời, cần làm cái gì cho hậu thế. Đó là suy nghĩ đáng trân trọng của người sống có trách nhiệm. Nhưng đôi khi, lực bất tòng tâm. Cuộc sống bình thường cũng lắm khi làm ta mệt mỏi, sao nhãng việc theo đuổi suy nghĩ ích lợi cho đời.
     Một số lễ hội họ, kể cả giỗ tổ, một số sinh hoạt họ đó đây chỉ thấy những người đứng tuổi, người cao tuổi, ít thấy thanh thiếu niên, các cháu nhỏ nếu đến lễ hội họ, thường chỉ để chơi, xem. Những việc này làm mọi người lớn phải suy nghĩ và cần làm gì đó, vì chúng ta biết rõ phát triển dòng họ là phát trển ở con cháu, ở hậu duệ, phải làm cho con hơn cha, phải làm để đạt hậu sinh khả uý.
     Họ Bùi toàn quốc đã có website tích luỹ được thông tin, tư liệu dòng họ, có đối tượng là giới trẻ, có lợi thế truyền thông tin ra ngoài nước, nhưng cần cập nhất tốt hơn, không cần cầu toàn bởi tính dễ sửa, dễ chỉnh của nó. Ấn phẩm Họ Bùi Việt Nam với đối tượng rộng rãi phổ cập trong nước nhưng phải qua nhiều công đoạn, phải chọn lọc, chỉnh sửa bản thảo nhiều loại thông tin, tư liệu dòng họ mất nhiều công sức (vì không dễ đính chính, lại có sự kiểm duyệt in ấn kỹ hơn so với internet) nên ba bốn tháng hoặc dài hơn mới ra được một số, vẫn không hết sai sót. Dẫu sao, hai phương tiện thông tin trên, cùng một số ấn phẩm dòng họ địa phương đã có tác động tích cực tuyên truyền phát triển dòng họ bằng việc cung cấp, trao đổi thông tin hoạt động họ, tư liệu kết nối tìm cội nguồn... Tuy nhiên BLLHBVN, BLLHB các địa phương cần quan tâm đầu tư công sức, con người hơn nữa, động viên đội ngũ cộng tác viên rộng rãi, trước hết trong dòng họ ở tất cả địa phương, ở mọi lĩnh vực trong nước, cả ở ngoài nước cho các phương tiện thông tin này. Không để trang Web, ấn phẩm Họ Bùi Việt Nam đói tin, đói bài, hoặc chỉ đăng đi, đăng lại một số cụ Tổ, một số dòng họ lớn của một số địa phương, trong khi dòng họ tồn tại và hoạt động nhiều vẻ ở khắp mọi nơi. Không để tin, bài, tư liệu về họ nằm yên lặng trong tủ của họ hoặc trong cặp của ai đó. Phải xem 2 phương tiện thông tin là nơi xử lý đầu tiên (bước một) tất cả các tư liệu về dòng tộc, trước khi các tư liệu ấy còn phải xử lý tiếp về tình tiết, thời điểm lịch sử, địa danh xưa-nay, chắp nối thành bộ…
     Để phát triển dòng họ hữu hiệu hơn, đòi hỏi hoạt động đều tay các tiểu ban của BLLHBVN, các BLLHB các tỉnh, thành, đặc biệt các bộ phận liên kết phát triển cộng đồng. Nhiều Ban liên lạc tỉnh thành duy trì tốt họp mặt hàng năm, là hoạt động tích cực phát triển dòng họ. Các Ban liên lạc, kể cả BLLHBVN toàn quốc nghiên cứu tổ chức hoạt động hàng năm với nhiều chủ đề, cho nhiều đối tượng, là hình thức phát triển dòng họ tích cực, hiệu quả.
     Các hoạt động dòng họ của ta hiện nay mới đạt mức nào đó ở liên kết dòng tộc, tôn vinh tổ tiên và đáp ứng rất nhỏ mong muốn tìm về cội nguồn. Còn đích động viên con cháu trong phương châm hoạt động dòng tộc còn đang nhỏ nhoi. Nhiều dòng họ làm tốt việc khuyến học, khuyến tài, nhưng các Ban liên lạc chưa đủ sức làm. Con cháu là lực lượng lao động chính, chừng nào thấy hoạt động dòng họ chưa có lợi ích thiết thực, chỉ để cho vui, để biết thêm quan hệ họ hàng, biết thêm danh nhân dòng tộc, ..thậm chí cho rằng hoạt động họ chỉ mất thì giờ, vô bổ, thì chừng đó, hoạt động dòng tộc chưa thu hút con cháu là thanh niên, lực lượng lao động chính.   
     Chờ đợi và hy vọng Hiệp hội Doanh nghiệp – Doanh nhân họ Bùi Việt Nam, sản phẩm của Tiểu ban Kinh tế doanh nghiệp có sự đồng lòng đồng sức của dòng họ cả nước ra đời, sẽ là “sân chơi” bổ ích lý thú cho các doanh nhân dòng họ, cho những ai quan tâm làm kinh tế, là cách tập hợp, phát triển dòng họ lớn nhất, thu hút nhiều lực lượng lao động chính của dòng họ.
     Đã manh nha ý kiến thành lập một hình thức tổ chức gì đó cho con gái, con dâu họ Bùi Việt Nam. Nếu tổ chức này ra đời chắc có những hoạt động phong phú, thú vị về phát triển dòng họ.  
     Tuyên truyền, phát triển dòng họ là nhiệm vụ cấp bách, cơ bản và lâu dài của dòng họ mà mỗi thành viên, tổ chức của dòng họ luôn luôn nghĩ đến và tìm mọi cách làm càng ngày càng hiệu quả.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét