Chủ Nhật, 5 tháng 6, 2011

ĐÔI ĐIỀU SUY NGHĨ VỀ MỤC TIÊU

ĐÔI ĐIỀU SUY NGHĨ VỀ MỤC TIÊU
VÀ PHƯƠNG CHÂM HOẠT ĐỘNG CỦA DÒNG TỘC
                                                                                                                        BÙI XUÂN VỊNH
     Cộng đồng họ Bùi hoạt động trên phạm vi cả nước từ tháng 12/2004. Từ ý tưởng còn sơ lược ban đầu của một vài người, nhờ trí tuệ, tâm đức của ngày càng nhiều người cùng họ góp vào, chỉ hơn 3 năm, đã tổ chức được Đại hội toàn quốc lần thứ nhất, đã có Điều lệ, có bộ máy hoạt động thu hút ngày càng đông bà con Bùi tộc tham gia.
     Điều 2 - Tôn chỉ, mục đích Điều lệ cộng đồng họ Bùi Việt Nam đã bao hàm đủ mục tiêu, phương châm hoạt động của cộng đồng. Mục tiêu là xây dựng một cộng đồng Đoàn kết - Tương trợ - Phát triển. Phương châm hoạt động là Liên kết dòng tộc, tìm về cội nguồn, tôn vinh Tổ Tiên, động viên con cháu.
     Phân ra mục tiêu, phương châm có thể chưa thật chính xác. Chẳng hạn đoàn kết (cả tương trợ nữa) vừa là mục tiêu vừa là động lực. Từng nhóm bốn từ trong phương châm cũng có thể coi là mục tiêu, tuy nó hẹp. Nhưng ít ra việc phân mục tiêu, phương châm cũng nhận rõ  được đích của cộng đồng và bằng cách nào để cộng đồng đạt tới đích.
     Khó mà cắt rời từng cặp trong mục tiêu Đoàn kết – Tương trợ - Phát triển. Cũng không thể trọng số đều nhau, mỗi cập một phần ba. Rõ ràng đích cuối cùng là xây dựng một cộng đồng phát triển. Phát triển là đích, tỷ trọng mong muốn hai ba phần. Nhưng không có đoàn kết, tương trợ, khó mà phát triển. Hãy để phát triển chiếm quá nửa mục tiêu. Non nửa còn lại của mục tiêu, đoàn kết hay tương trợ cần tỷ trọng lớn phải xét điều kiện cụ thể. Đoàn kết - Tương trợ tương tác hỗ trợ nhau. Đoàn kết mà không tương trợ nhau thì đoàn kết suông không thiết thực. Tương trợ mà không trên cơ sở đoàn kết có khi chỉ là từ thiện, bố thí vô cảm, tương trợ đó không phải của dòng tộc. Đoàn kêt - Tương trợ để phát triển là đích hoạt động của cộng đồng Bùi tộc và hướng phấn đấu trọng số tăng tỷ lệ thuận theo trình tự đoàn kết-tương trợ-phát triển.
     Họ là hình thức sở hữu huyết thống tổ tiên mà mọi người đều có và mang theo suốt đời, truyền từ
đời này qua đời khác. Bởi lẽ đó, ai cũng muốn tìm về cội nguồn tổ tiên của mình. Biết ông tổ họ mình ở làng lại muốn biết ông tổ bậc trên, bậc trên nữa.. ở xã, huyện hay tỉnh khác. Muốn tìm về cội nguồn nhất thiết phải liên kết dòng tộc. Phải tự liên kết, tìm liên kết, đoàn kết giúp nhau tìm liên kết, ban liên lạc các cấp cung cấp tư liệu lịch sử để mọi người liên kết tìm về được cội nguồn của mình.
     Rất khó tìm về được ông tổ đầu tiên duy nhất (cũng chưa hình dung nổi có tìm được hay không ?). Các tư liệu hiện có cho thấy, họ Bùi Việt Nam đã có cách đây hơn 2300 năm trước từ những đời cuối Hùng Vương nước Văn Lang. Liên kết dòng tộc, tìm về cội nguồn là con đường khá dài chưa biết bao nhiêu năm, hãy cùng nhau xúc tiến mạnh mẽ việc làm các cây gia phả may ra có thể tìm được các vị viễn tổ họ Bùi từ các đời vua Hùng.
     Nhưng liên kết dòng tộc, tìm về cội nguồn chỉ để biết thôi (chỉ để làm cây gia phả thôi, để biết quan hệ với nhau thôi) thì thật vô nghĩa nếu không tôn vinh tổ tiên, động viên con cháu và không thể dẫn cộng đồng tới đích. Tôn vinh tổ tiên vừa là đạo lý vừa đúng pháp lý. Có người so sánh rằng người họ Bùi nay không bằng tổ tiên xưa (nên cần tôn vinh tổ tiên ?!). Sự so sánh có thể khập khiễng nhưng biết đâu nó đúng với người này, ở nơi kia, tại lúc nọ. Thực sự có thể có cái kém, có những cái hơn. Đã so sánh hơn kém tổ tiên phải chỉ rõ cụ thể nội dung hơn kém. Nhưng tổng thể, cộng đồng họ Bùi đã, đang phát triển, như thế ắt hẳn hơn.
     Tôn vinh Tổ Tiên, ở bên kia thế giới, tổ tiên nhận ra hậu duệ biết lẽ sống, trọng đạo sinh ắt sẽ phù hộ độ trì. Nhưng chính tại thế giới này cộng đồng cần tập trung động viên con cháu mạnh mẽ, liên tục, phong phú đa dạng. Phát triển hay không, phát triển nhiều hay ít, phát triển mạnh hay yếu chính là ở con cháu chứ không phải ở những người mà “quỹ thời gian” chỉ còn phần năm, phần sáu....
     Ban liên lạc tổ chức hoạt động thiết thực, hiệu quả nên quan tâm đúng mức mục đích phát triển, phải chỉ rõ được đích phát triển. Nặng đoàn kết, chỉ là các hội hiếu hỷ, đồng hương, đồng môn, đồng niên, hoặc hội thọ... Nặng tương trọ không khéo thành các hội nghề nghiệp, ái hữu. Đủ đoàn kết-tương trợ-phát triển, đích thị là tổ chức của cộng đồng họ Bùi Việt Nam.
     Các tổ chức của cộng đồng họ Bùi Việt Nam (Ban vận động, Ban liên lạc lâm thời, Ban liên lạc) khi xây dựng quy ước, quy chế… nêu phương châm hoạt động thiết thực, hiệu quả nên đặt liên kết dòng tộc, tìm về cội nguồn ở non nửa phương châm (trong non nửa này, tìm về cội nguồn chiếm quá nửa); Trong già nửa phương châm hoạt động thuộc về tôn vinh tổ tiên, động viên con cháu, trong đó động viên con cháu phải chiếm phần lớn.
     Bằng đôi điều suy nghĩ, người viết bài này trước hết để tự răn mình, tự điều chỉnh nhận thức, lời nói, việc làm của mình theo trọng số cực đại ở đích phát triển (của mục tiêu), và theo tỷ lệ lớn nhất ở động viên con cháu (của phương châm hoạt động), sau đó muốn trao đổi với người cùng họ.
     Thiết nghĩ, các vị tham gia hoạt động dòng tộc các cấp cùng cân nhắc, “đo đếm” tỷ trọng hợp lý trong mục tiêu, phương châm để hoạt động hôm nay hơn hôm qua, ngày mai nhất định hơn hôm nay, như vậy cộng đồng Bùi tộc ta ắt luôn luôn phát triển.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét