Chủ Nhật, 5 tháng 6, 2011

ĐỀN THỜ NHÂN THẦN HỌ BÙI

ĐỀN THỜ NHÂN THẦN HỌ BÙI
                                                                   Bùi Xuân Vịnh tổng hợp

     Đền thờ Việt Nam (chủ yếu ở các tỉnh miền Bắc) thường thờ thiên thần theo truyền  thuyết (không nhiều) và thờ nhân thần. Nhân thần được lập đền thờ thường là vua, chúa, hoàng hậu, hoàng tử, hoặc tướng lĩnh có công chống ngoại xâm. Nhân thần họ Bùi thường là các trung thần có công phò vua, giúp dân, đa phần được phong là phúc thần. Từ các tư liệu văn hoá, lịch sử, lược ghi một số đền thờ nhân thần họ Bùi dưới đây bà con tộc Bùi biết để thờ phụng.
Đền Bảo Khang Đại vương: Đền thờ Bùi Mộng Hoa, trung thần thời Trần ở xã Thiết Bình Đông Anh Hà Nội. Năm 1392, vua Trần Thuận Tông xuống chiếu cầu lời nói thẳng. Bùi Mộng Hoa dâng thư đại ý nói Hồ Quý Ly có ý nhòm ngó ngôi báu. Sau Quý Ly chuyên quyền, ông ở ẩn không ra làm quan nữa. Sau khi ông mất, nhân dân xã Thiết Bình lập đền thờ ông làm Phúc thần.
            Đền Bùi Công: Đền toạ lạc tại xã Thu Bồ, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi. Đền thờ trấn quận công Bùi Tá Hán, tướng trấn thủ xứ Quảng Nam. Khi Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hoá, ông từng đem quân ra giúp dẹp quân các thế lực thuộc phe nhà Mạc, được coi như có công trong việc củng cố vị thế của chúa Nguyễn ở Đàng Trong. Ông mất năm 1568, được tăng chức Thái Bảo, dân địa phương lập đền thờ tôn làm Phúc thần.
            Đền Bùi Ngự sử, còn gọi là Đô Đài ở thôn Cao Xá, xã Minh Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh, thờ Ngự sử Bùi Cầm Hổ. Ông làm quan ba đời triều Lê, thăng đến chức Ngự sử, hai lần vâng mệnh đi sứ nhà Minh, là bậc trung thần có tiếng đương thời, sau về trí sĩ. Ông có công trong việc đắp đập đá trên núi Hồng Lĩnh để dẫn nước tưới ruộng. Sau khi ông mất, dân lập đền thờ dưới chân núi Bạch Ty, các triều đều được sắc phong Thượng đẳng thần.
            Đền Đại thánh thiền sư: Đền ở xã Trực Chính, huyện Nam Ninh, tỉnh Nam Định thờ Đại thánh thiền sư họ Bùi. Khoảng năm 1573-1577, thiền sư đắc đạo ở Tây Phương (Ấn Độ) trở về, đến trụ trì ở chùa Thuỳ Cung. Tại đây thiền sư biên soạn tập Kế đăng lục, đúc chày kim cương bằng đồng. Thiền sư mất năm 1641.
            Đền Lương quận công: Đền toạ lạc tại xã Đông Biểu, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định, thờ Lương quận công họ Bùi – Bùi Công, chưa rõ tên huý, có công giúp Lê Thái Tổ khởi nghĩa. Khoảng năm 1434-39, ông vâng mệnh đi sứ sang Bắc quốc. Do tài mưu trí, người Minh rất kính phục ông. Lần ấy nhà Minh phải phong vua Thái Tông là An Nam Quốc vương. Nhờ có công lớn, ông được ban quốc tích, phong chức Thái Bảo. Sau khi mất, được tặng Thượng thư Thái bảo Lương quận công và dựng đền thờ.
            Đền Tam trung: Đền thờ 3 trung thàn triều Nguyễn là Bùi Tăng Huy, Phạm Đình Trạc và Phạm Văn Lưu. Đền dựng tháng 10 năm 1833 tại xã Gia Cung, huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng. Năm ấy thổ ty Bế Văn Cận theo thổ ty Nùng Văn Vân ở Tuyên Quang đem quân vây đánh thành Lạng Sơn. Ba ông rút vào thành cố thủ, nhưng sức yếu, lương cạn, đành phải tự vẫn. Sau khi thành được giải vây, vua Nguyễn nhớ lòng tiết nghĩa của ba ông bèn sai lập đền thờ, gọi là đền Tam Trung.
            Đền thờ Tiết nghĩa Bùi Đại Vương: Đền thờ Bùi Bá Kỳ tại quê ông ở xã Phú Nội, huyện Ninh Thanh, tỉnh Hải Dương. Ông đỗ Thái học sinh triều Trần. Khi Hồ Quý Ly cướp ngôi, ông dấy quân chống lại, mưu khôi phục lại cơ đồ nhà Trần. Quân Minh sang diệt Hồ Quý Ly rồi chiếm nước ta, dung ông làm chức Tham nghị. Ông ngầm thu nạp người trong nước chống lại. Bọn Minh dò biết được, bắt ông đem về Tàu. Người đời khen ông trung nghĩa lập đền thờ.
            Đền Cả Du Đồng (còn gọi là đền Hàng Tổng): Thuộc địa phận thôn Vĩnh Thành, xã Đức Đồng, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Đền thờ “Lương uy phụ quốc trí dũng hùng lược hiền lương dực bảo trung hưng thượng đẳng thần” Bùi Thúc Ngật, người có công khai phá, chiêu dân lập nên xóm làng của tổng Du Đồng, truyền bá, mở mang nghề nông trang (nông nghiệp và dâu tằm), mở trường dạy học đầu tiên cho nhân dân cả vùng phía tây huyện Đức Thọ ngày nay. Đền Cả Du Đồng được xếp hạng “Di tích kiến trúc nghệ thuật” theo Quyết định của Bộ Văn hoá thông tin ngày 30 tháng 8 năm 1991.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét