Thứ Tư, 29 tháng 6, 2011

Bùi Thanh Phương: Tự hào là hậu duệ danh họa họ Bùi

Bùi Thanh Phương: Tự hào là hậu duệ danh họa họ Bùi
27/10/2007, 07h39


     Nghiệp vẽ đến với Bùi Thanh Phương có thể là tình cờ nhưng cũng là duyên phận. Là con trai của danh họa nổi tiếng Bùi Xuân Phái nhưng cha anh lại chưa dạy anh “vẽ một ngày nào theo cách dạy truyền thống”.
     Tất cả đều là do anh tự học, tự mày mò trong cái “trường đại học lớn” - căn phòng chỉ vẻn vẹn vài mét vuông nơi “xưởng vẽ” của cha anh. Nhưng chính nơi đó đã chắp cánh nghiệp vẽ của Bùi Thanh Phương và cho anh nhiều điều mà không đơn thuần chỉ là một tình yêu. Anh đã chia sẻ với PV Tổ Quốc về nghiệp vẽ, ký ức về người cha - danh họa Bùi Xuân Phái và cả về dự định mà anh đang ấp ủ.
     - Nghe nói anh đang cùng hai người bạn tích lũy tiền để thành lập giải thưởng mang tên cha anh, họa sĩ Bùi Xuân Phái?
     Khi tôi ngỏ ý muốn thành lập giải thưởng Bùi Xuân Phái, tôi đã nhận được sự tán thưởng của các bạn tôi là các nhà sưu tập lớn, đó là Trần Hậu Tuấn và Bùi Quốc Chí. Ban đầu, chúng tôi dự kiến số tiền gửi ngân hàng sẽ vào khoảng 30 ngàn đô la Mỹ, như vậy lãi xuất hằng năm sẽ được hơn một ngàn. Số tiền lãi ấy sẽ vĩnh viễn giành cho “giải thưởng Bùi Xuân Phái”. Nhưng hiện tại, chúng tôi còn đang thảo luận thêm, bởi ý kiến của Trần Hậu Tuấn muốn giải thưởng có sức nặng hơn, nghĩa là, số tiền gửi vào nhà băng sẽ phải nhiều hơn thế. Chúng tôi dự tính, giải thưởng này sẽ chính thức được trao lần đầu tiên vào ngày sinh của cụ Bùi Xuân Phái (1.9.1920 -1.9.2008). Hằng năm vào ngày 1 tháng 9 sẽ là ngày trao giải thưởng này.
     - Anh có thể cho biết rõ hơn về đối tượng và cơ cấu của giải thưởng Bùi Xuân Phái? 
     Cơ cấu của giải sẽ do những thành viên trong nhóm thành lập giải thưởng soạn thảo và đối tượng được trao giải sẽ là người có tác phẩm xuất sắc nhất trong năm thuộc lãnh vực Văn học và Nghệ thuật. Nhưng tôi nghĩ, trong tương lai, Giải thưởng Bùi Xuân Phái sẽ được trao cho một tổ chức văn hóa có uy tín điều hành.
     - Anh đã từng nói đại ý anh là “khắc tinh” của những kẻ làm giả tranh của cụ Phái, vì anh là con cụ?
     Lúc sinh thời, cụ Bùi Xuân Phái có lần đã nói vui “Không biết sau này người ta có vẽ giả tranh của mình không? Mình cũng muốn xem qua một vài bức xem họ vẽ như thế nào”. Tiếc là Bùi Xuân Phái đã chưa kịp được xem những bức tranh giả mà người ta vẽ rồi dán cái mác Phái vào. Còn tôi thì phải xem khá nhiều với một cảm giác vừa thất vọng vừa buồn phiền vì giới làm tranh giả Phái vẽ quá kém. Họ không hiểu tinh thần, tâm tư của người họa sĩ thì làm sao bức tranh nó có hồn? Mặt khác, họa sĩ nào cũng có những kỹ thuật, thủ pháp của riêng mình, điều này người ta cũng không thể bắt chước hay truyền trao được.
     - Anh là người con duy nhất trong gia đình theo nghiệp cha, có khi nào anh cảm thấy mệt mỏi khi phải đứng trước cái bóng quá lớn ấy?
     Ở Việt Nam, tôi thấy hầu hết các ông con của các họa sĩ đã thành danh đều khó ngóc đầu lên được bởi đều phải chịu  sự so sánh của nhân thế. Nhưng nếu ông bố là họa sĩ nhàng nhàng thì ông con có cơ vượt lên thoải mái hơn. Tôi chưa bao giờ cảm thấy mệt mỏi khi đứng trước cái bóng quá lớn là cha mình, mà tôi luôn tự hào và cố gắng với tâm niệm xứng đáng là hậu duệ của họa sĩ họ Bùi. Tôi sống và làm việc với một niềm tin và tình yêu của riêng của tôi. Có câu của Bùi Xuân Phái rằng “Tôi là tôi với tất cả những cái kém và cái hay”. Câu nói ấy đã an ủi tôi nhiều.
     - Nhưng anh cũng đã  phải từ bỏ đề tài mà anh rất yêu thích là “Phố. Anh lo ngại mình không vượt qua được cái bóng của cha hay không thể khẳng định, ngoài phố Phái, còn có một phố Phương?
     Đề tài phố, nhất là phố Hà Nội là đề tài tôi yêu thích nhất, và cũng là dễ vẽ, dễ đẹp hơn các đề tài khác. Muốn vẽ phố cổ Hà Nội cho đẹp thì chẳng có cách nào khác là phải nhìn bằng cái lăng kính của Bùi Xuân Phái, góc độ của Bùi Xuân Phái mà nếu như vậy thì cái áo mình mặc lại là cái áo mình đi mượn rồi, vì thế từ nhiều năm nay tôi đã hoàn toàn rơi vào khủng hoảng và không vẽ phố cổ Hà Nội nữa. Mặt khác, Hà Nội cũng không còn cảnh phố cổ nữa để cho mà vẽ. Các họa sĩ bây giờ vẽ phố cổ Hà Nội chỉ có thể dựa theo ảnh tư liệu hoặc vẽ phịa nên không có xúc cảm gì nhiều. Ngày xưa ông Phái vẽ, ông có bao giờ muốn cố gắng để khẳng định phố Phái đâu. Vì thế tôi tự thấy buồn cười nếu tôi vật vã làm việc để muốn khẳng định… phố Phương.

 Bùi Thanh Phương sinh năm 1956, là con trai thứ của họa sĩ Bùi Xuân Phái. Phương bắt đầu vẽ tranh từ tuổi niên thiếu, năm 13 tuổi (1969) đã bán được 3 bức tranh đầu tiên cho nhà sưu tập Đức Minh. Anh vẽ tranh ở nhiều mảng đề tài khác nhau như: phong cảnh, nude, phố cổ, chân dung,... Gallery 31 Cửa Đông là nơi anh trưng bày tranh của mình. Ngoài ra, tại căn nhà số 87 Thuốc Bắc (Hà Nội), anh cũng làm một gallery gia đình trưng bày những bức tranh còn lưu giữ của cha anh, họa sĩ Bùi Xuân Phái.

     - Liệu theo đuổi đề tài khác, anh có dám chắc mình thành công?
     Họa sĩ thường chẳng ai dại gì mà tuyên bố mình sẽ chỉ vẽ đề tài này khác trong toàn bộ cuộc đời mình. Cảm hứng sáng tác nó đến với mình bất chợt như tình yêu, nó đến mà có hẹn trước hay biết trước bao giờ đâu. Tôi nhớ có lần Bùi Xuân Phái đã nói hóm hỉnh “ Với nghệ thuật, mình phải đi theo nó chứ không phải là nó đi theo mình”.
     - Vậy cụ Phái dạy anh vẽ, hay anh tự học?
     Bùi Xuân Phái chưa bao giờ dạy tôi vẽ một ngày nào theo như cách dạy học truyền thống. Ở tuổi 12, tự tôi mò mẫm đi xin học vẽ ở Cung thiếu nhi. Cách tôi học được nhiều ở Bùi Xuân Phái là hằng ngày tôi ngồi bên cạnh bảng mầu của ông để xem ông vẽ và nghe ông nói chuyện về hội họa, nghe các quan niệm về nghệ thuật của các họa sĩ mỗi khi họ đến thăm ông. Căn phòng của Bùi Xuân Phái ngày ấy đối với tôi là một trường đại học lớn.
     - Vậy anh quan niệm thế nào về một người nghệ sĩ chân chính?
     Ở thời các ông Nguyễn Sáng, Bùi Xuân Phái, khi nhận định về một họa sĩ nào đấy, các ông thường chỉ dùng cụm từ "họa sĩ này hay". Nếu được nhận định như vậy bởi các maitre thì người họa sĩ đó đã thành công lắm rồi. Các ông thường khen ngợi là HAY chứ không  phải là giỏi (giỏi thường chỉ là khéo tay). Tiêu chí về một họa sĩ chân chính nghe có vẻ bao la và dễ khiến người ta ba hoa tán phét. Tôi nỗ lực, gắng sức mỗi ngày chỉ mong sao trong sự nghiệp của mình để lại được một hoặc hai bức tranh HAY cho đời, thế cũng là đủ cho một cuộc đời, phải không bạn?
     - Xin cảm ơn anh!
                                                                                                            (Theo TQ)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét